Trước lo ngại vị CEO Tesla sẽ thế chấp cổ phiếu để hoàn tất thương vụ mua lại Twitter, giới đầu tư đã kích hoạt làn sóng bán tháo. Sau phiên giao dịch ngày 26/4, cổ phiếu của hãng xe điện đã giảm 12%, lùi về mức 876 USD/đơn vị. Mức giá này đã khiến vốn hóa thị trường của Tesla "bốc hơi" 126 tỷ USD, thu hẹp còn 908 tỷ USD.
Kể từ khi tỷ phú Elon Musk tiết lộ nắm giữ 9,2% cổ phiếu Twitter vào ngày 4/4, đến nay, vốn hóa thị trường của Tesla đã giảm hơn 275 tỷ đồng, tương đương 23% giá trị. Cùng với đó, giá trị số cổ phần Musk nắm giữ - tương đương 17% - cũng giảm hơn 40 tỷ USD.
Giá cổ phiếu Tesla suy giảm trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ ngày càng tăng cao, đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc - nơi đặt nhà máy của Tesla - cũng phần nào tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Không dừng lại ở đó, giới đầu tư cũng tìm cách "tháo chạy" và cẩn trọng hơn trước động thái tăng lãi suất mà Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra.
Vào tuần trước, hãng Tesla báo lãi kỷ lục 3,3 tỷ USD trong quý I/2022 - tăng hơn 750% so với cùng kỳ năm 2021 - bất chấp khủng hoảng chip toàn cầu vẫn đang diễn ra. Doanh thu của Tesla trong ba tháng đầu năm cũng đạt hơn 18,7 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước khi giảm mạnh vào ngày 26/4, cổ phiếu Tesla nằm trong danh mục hoạt động tốt nhất trong chỉ số NY FANG+.
Tuy nhiên, theo Russ Mold, chuyên gia đến từ AJ Bell, Elon Musk đã chấp nhận rủi ro khi quyết định sử dụng cổ phiếu Tesla làm tài sản thế chấp. Việc cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô điện đột ngột giảm xuống sẽ gây ra ảnh hưởng khá lớn với nhà đầu tư.