Tại diễn đàn “Phát triển thị trường tài chính cá nhân tại Việt Nam” với chủ đề: “Định hướng phát triển hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam” do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam, Đại học Văn Lăng cùng công ty tư vấn và quản lý gia sản FIDT tổ chức mới đây, TS.Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV đã trình bày tham luận về tổng quan thị trường tài chính và hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam cùng những vấn đề đặt ra.
Theo đó, quy mô thị trường tài chính Việt Nam phát triển rất nhanh và tốc độ tăng trưởng nhanh bình quân 14%/năm (hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế). Trong nước đã có một lượng lớn doanh nghiệp và định chế cung ứng đa dạng các sản phẩm tài chính.
Về đặc điểm, hệ thống ngân hàng vẫn đóng vai trò chi phối và nền tài chính vẫn còn phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng. Việc này đến từ nhiều nguyên nhân. Theo đó, việc các kênh huy động vốn dài hạn vẫn chưa hoạt động hiệu quả là một vấn đề đáng lưu ý.
Cụ thể, dù hằng năm vẫn ghi nhận tăng trưởng bình quân trên 10%, song dư nợ trái phiếu toàn thị trường chỉ bằng khoảng 7% tổng tài sản hệ thống tài chính. Quy mô thị trường nợ này chỉ quanh 10% GDP, vẫn còn rất bé so với các quốc gia trong khu vực…
Với thị trường cổ phiếu, dù vốn hóa thường bằng 60-90% GDP, song năng lực huy động vốn của thị trường vẫn chưa hiệu quả. Cụ thể, bình quân mỗi năm kênh này chỉ huy động được khoảng 100 nghìn tỷ, tương đương với năng lực một ngân hàng tầm trung, riêng năm ngoái thì chỉ được 10.000 tỷ. Đây là một điều rất đáng quan ngại.
“Do đó, cần phải thúc đẩy các thị trường vốn này đặc biệt là chứng khoán theo hướng là một kênh huy động vốn hơn là một nơi để đầu cơ. Kể cả thời kỳ hoàng kim thị trường quy mô vẫn còn nhỏ so với nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Điều này cũng đồng nghĩa, thị trường vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển”, TS.Cấn Văn Lực nhận định.
Kinh tế trưởng BIDV cũng đánh giá thêm về khu vực ngân hàng. Theo đó, hiện Việt Nam có thể cạnh tranh ngang hàng với các ngân hàng nước ngoài, về mặt sản phẩm và dịch vụ, công nghệ. Hằng năm, khu vực này ghi nhận tăng trưởng khoảng 12,3%/năm. Vừa qua toàn ngành có một số khó khăn như nợ xấu chuyển biến không tích cực và trục trặc về thanh khoản. Tuy nhiên, đến hiện tại, các vấn đề vẫn trong tầm kiểm soát, nhiều khó khăn đang dần được tháo gỡ.
Nhìn chung TS.Cấn Văn Lực đánh giá thị trường tài chính Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều vấn đề vấn đề cần phải quan tâm, như việc phát triển cho vay tiêu dùng, ngân hàng số, vấn đề liên thông giữa hệ thống ngân hàng và các thị trường tài sản, khung pháp lý cho Fintech, vấn đề an ninh an toàn, bảo vệ người tiêu dùng tài chính,...
Về vấn đề tài chính cá nhân, Kinh tế trưởng BIDV khuyến nghị người Việt Nam cần chú ý một số điểm đang yếu so với các nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương gồm: Khả năng quản lý nợ; hiểu biết về quản lý tài chính.
Trên cơ sở đó, chuyên gia gợi ý, phương pháp quản trị tài chính gồm 6 bước: 1) đặt mục tiêu, 2) đánh giá tình hình tài chính hiện tại, 3) chuẩn bị các phương án tài chính, 4) phân tích, lựa chọn, 5) triển khai, 6) giám sát và có điều chỉnh khi thực hiện.
“Sự công khai, minh bạch và chuyên nghiệp là vấn đề sống còn của việc phát triển thị trường tài chính. Khi thị trường tài chính còn chưa công khai minh bạch, thì sẽ còn nhiều vấn đề như vừa qua. Ngoài ra, vai trò của giáo dục tài chính, nâng cao dân trí tài chính cũng rất quan trọng”, TS.Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Link bài gốc