Theo Bloomberg, Amazon là công ty niêm yết đầu tiên trên thế giới mất 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường. Lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ bị siết chặt cùng kết quả kinh doanh không như mong đợi đã dẫn đến đợt bán tháo cổ phiếu kỷ lục trong năm nay. Đây cũng là nguyên chính đẩy Amazon đến tình cảnh khó.
Cổ phiếu của nền tảng thương mại điện tử và điện toán đám mây đã giảm 4,3% sau phiên giao dịch ngày 9/11, kéo vốn hóa công ty giảm xuống còn 879 tỷ USD. Trong khi trước đó, vào tháng 7/2021, giá trị thị trường của Amazon từng đạt mức kỷ lục 1.880 tỷ USD.
Không chỉ Amazon, tập đoàn công nghệ Microsoft cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. "Cha đẻ" phần mềm Windows đã mất 889 tỷ USD giá trị thị trường kể từ tháng 11/2021.
Cổ phiếu công nghệ bị "đè nén" trong suốt cả năm nay cùng suy thoái kinh tế đã tạo thêm nhiều áp lực cho lĩnh vực này. Năm công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ (xét theo doanh thu) đã chứng kiến gần 4.000 tỷ USD giá trị vốn hóa bị bốc hơi trong năm 2022.
Cổ phiếu công ty đã giảm gần 50% khiến tài sản của nhà đồng sáng lập Jeff Bezos theo đó mà "hao hụt" đáng kể. Theo dữ liệu từ Bloomberg, tỷ phú Jeff Bezos đã mất 83 tỷ USD chỉ trong 10 tháng đầu năm 2022.
Tháng trước, Amazon dự báo tăng trưởng doanh thu của công ty trong quý IV ở mức thấp nhất trong lịch sử khi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng giảm. Điều này khiến vốn hóa của nền tảng thương mại điện tử hàng đầu thế giới tụt xuống dưới mốc 1.000 tỷ USD lần đầu tiên sau 2 năm, đồng thời trở thành công ty niêm yết duy nhất trên thế giới có giá trị vốn hóa sụt giảm 1.000 tỷ USD.