Theo số liệu do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, từ đầu năm đến nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI trong hai tháng đầu năm với gần 1,52 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đáng chú ý, con số này tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (gần 485 triệu USD).
Hai tháng đầu năm chỉ ghi nhận ba dự án FDI lớn. Đơn cử như dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên.
Dự án cuối cùng là Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hong Kong), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh.
Về đối tác đầu tư, với vốn đầu tư ước tính hơn 1,7 tỷ USD, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất trong số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm. Hàn Quốc là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai với 1,4 tỷ USD vốn đầu tư và Trung Quốc xếp ở vị trí thứ ba với 538 triệu USD vốn đầu tư.
Về địa bàn đầu tư, Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về tiếp nhận vốn FDI với số vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trên cả nước trong 2 tháng đầu năm. Xếp thứ hai là Thái Nguyên, thu hút 924 triệu USD, chiếm gần 18,5% tổng vốn đầu tư cả nước nhờ 2 dự án điều chỉnh tăng vốn quy mô lớn. Thủ đô Hà Nội xếp thứ ba, sau đó là các tỉnh Nghệ An, Long An…
Tuy nhiên, nếu xét về số lượng dự án, TP. HCM và Hà Nội vẫn là các địa phương được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất. Trong đó, TP. HCM dẫn đầu cả về số dự án mới, số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn và góp vốn mua cổ phần.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, dòng tiền FDI vào Việt Nam thời gian tới sẽ còn lớn hơn nữa bởi doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng vào Việt Nam, đặc biệt là việc khống chế thành công đại dịch là ưu điểm rất lớn cho lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, với các hiệp định thương mại lớn được ký kết, cộng với việc Việt Nam có lợi thế về nền tảng khi là một thị trường lớn mạnh với lĩnh vực nhân khẩu học trẻ, năng động, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng nâng cao. Vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh thu hút FDI với các nước khác trong khu vực.
Sự gia tăng nhanh chóng của các cơ sở hạ tầng chính tại Hà Nội và TP.HCM được hỗ trợ bởi tính liên kết giữa các tỉnh. Thêm nữa, Chính phủ cũng tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá đất, các rào cản pháp lý dần được gỡ bỏ đã tạo ra những cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định, có nhiều lực đẩy chính cho thị trường trong thời gian tới, bao gồm hàng loạt chính sách hỗ trợ về pháp lý bất động sản, dòng vốn FDI dồi dào đổ vào Việt Nam, nhu cầu nhà ở tăng cao và chủ trương đẩy mạnh đầu tư công.
Vị chuyên gia dự báo: “Năm 2022 sẽ là một năm chứng kiến nguồn tiền lớn đổ vào bất động sản ở tất cả các phân khúc của thị trường bất động sản. Nguồn tiền này đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp và nhóm nhà đầu tư cá nhân”.