Trong báo cáo vừa phát hành, Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá FE Credit có thể đạt tỷ lệ giá thị trường trên giá trị sổ sách khoảng 3,5 – 4 lần nếu Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, Mã CK: VPB) bán cổ phần công ty cho vay tài chính này. Với đánh giá đó, công ty chứng khoán định giá FE Credit tương đương đạt 2,3 – 2,6 tỷ USD.
VNDirect nhận định thêm việc bán cổ phần FE Credit tại thời điểm này là hợp lý. Một đối tác chiến lược nước ngoài với FE Credit có thể cải thiện chi phí vốn của doanh nghiệp và giúp kiểm soát rủi ro. Thương vụ này sẽ kết hợp được nguồn lực giữa FE Credit và đối tác chiến lược, từ đó củng cố vị thế dẫn đầu của doanh nghiệp. Công ty chứng khoán này cũng cho rằng, nguồn vốn tăng thêm sẽ đem lại nhiều phương án sử dụng, như thúc đẩy quy mô cho vay của ngân hàng mẹ, đầu tư vào ngân hàng điện tử...
VPBank từng lên kế hoạch bán FE Credit - công ty cho vay tiêu dùng từ năm 2017. Tuy nhiên, nhà băng này đã hủy bỏ kế hoạch do tại thời điểm đó, FE Credit đóng góp một nửa lợi nhuận hợp nhất. Hai năm gần đây, FE Credit chiếm 1/3 lợi nhuận ròng hợp nhất của VPBank.
VPBank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với doanh thu hợp nhất đạt hơn 39.000 tỷ đồng, tăng trưởng 7,4%. Trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt gần 21.000 tỷ đồng, tăng 18,6%.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt kỷ lục hơn 13.000 tỷ đồng, hoàn thành 127,5% kế hoạch, tăng trưởng 26% so với 2019. Trong đó, lợi nhuận tại ngân hàng riêng lẻ đóng góp tới 71% vào lợi nhuận hợp nhất.
Tại ngân hàng riêng lẻ, chỉ số tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) lần lượt đạt mức 24,6% và 2,2%.
Thu nhập ngoài lãi gồm thu nhập từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối, chứng khoán tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu của ngân hàng mẹ khi tăng trưởng cả năm 2020 đạt 27%.
Tính đến cuối 2020, tổng tài sản của VPBank đạt hơn 419.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cuối năm 2019. Tổng dư nợ cho vay khách hàng hợp nhất đạt hơn 320.000 tỷ đồng, tăng trưởng 19%; trong đó ngân hàng riêng lẻ tăng 21,8%.
Nợ xấu của nhà băng này tính đến cuối năm 2020 là 2,9%. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 28,4%.
Trong báo cáo phân tích mới đây, VNDriect dự báo tăng trưởng tín dụng hợp nhất của VPBank sẽ duy trì tối thiểu 18% trong năm 2021-2022.
Trên thị trường, cổ phiếu VPB vừa trải qua nhịp tăng khá tốt từ cuối tháng 10/2020, ghi nhận mức tăng hơn 60% qua đó leo lên đạt đỉnh 2 năm tại 37.250 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/1, cổ phiếu này còn 36.200 đồng/cổ phiếu.