Ngày pháp luật

VN trong top 18 nền kinh tế mới nổi vượt trội nhất thế giới

Theo Phương Thảo/Zing

Việt Nam nằm trong 18 nền kinh tế mới nổi được đánh giá là "vượt trội hơn" trong 50 năm qua trong khi Đông Á và Đông Nam Á là khu vực có nhiều nền kinh tế vượt trội nhất.

Theo báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey (MGI), công bố ngày 12/9 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Hà Nội, Việt Nam nằm trong 18 nền kinh tế được đánh giá là "đạt hiệu quả vượt trội hơn" trong vòng 50 năm qua. 

Việt Nam thuộc nhóm có kinh tế tăng trưởng GDP đầu người hơn 5% trong 20 năm qua, cùng Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Ethiopia, Ấn Độ, Kazakhstan, Lào, Myanmar, Turkmenistan và Uzbekistan. 

Tốc độ tăng trưởng GDP đầu người trung bình 5% mỗi năm là mức đủ để một quốc gia trong nhóm thu nhập thấp và trung bình thấp có thể "nhảy" một bậc thang về thu nhập, theo thang xếp loại của Ngân hàng Thế giới (WB).

Nhóm thứ 1, tăng trưởng nhanh trong 50 năm, bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.

Đông Á và Đông Nam Á vượt trội

Các tác giả báo cáo nhận định rằng nhóm 18 nền kinh tế trên cho sự đa dạng trong mức thu nhập, quy mô nền kinh tế, điều kiện ban đầu và khu vực địa lý, dù rõ ràng "có sự chiếm ưu thế của các nền kinh tế châu Á" và "sự vắng bóng khu vực Mỹ Latin". Tất cả 7 nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong dài hạn và 4 trong số 11 nền kinh tế thuộc nhóm trung hạn đều đến từ Đông Á và Đông Nam Á.

VN trong top 18 nền kinh tế mới nổi vượt trội nhất thế giới - Ảnh 1

Rõ ràng có sự chiếm ưu thế của các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là Đông Á và Đông Nam Á, trong báo cáo của MGI. Ảnh: AFP.

Nhóm 18 nền kinh tế tăng trưởng vượt trội đã đưa 1 tỷ người thoát đói nghèo, với mức đói nghèo theo định nghĩa của WB là sống với ít hơn 1,9 USD/ngày. Cũng trong cùng quãng thời gian đó, ngày càng có nhiều người ở các quốc gia này gia nhập tầng lớp tiêu thụ.

"Những người tiêu dùng ngày nay, với mức độ đô thị hóa cao, đã trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chúng tôi ước tính tầng lớp tiêu dùng tại 440 quốc gia trên toàn cầu có thể đóng góp gần 1/2 tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2025", báo cáo cho biết.

Theo báo cáo của MGI, dù có sự khác biệt giữa tính chất và chính sách của các nền kinh tế này, các nền kinh tế vượt trội hơn vẫn có sự tương đồng trong hai yếu tố cơ bản: chính sách hỗ trợ tăng trưởng và vai trò của các doanh nghiệp lớn.

Theo cách tính toán, đã điều chỉnh theo quy mô nền kinh tế, 18 nền kinh tế vượt trội có số lượng doanh nghiệp quy mô lớn nhiều gần gấp đôi so với các quốc gia đang phát triển khác (doanh nghiệp quy mô lớn được định nghĩa là các doanh nghiệp niêm yết công khai với doanh thu hàng năm trên 500 triệu USD).

“Dĩ nhiên các chính sách hợp lý là yếu tố vô cùng cần thiết”, ông Jonathan Woetzel, Giám đốc MGI kiêm Giám đốc Hợp danh Cao cấp văn phòng McKinsey & Company Thượng Hải, một trong các tác giả báo cáo, cho biết. “Nhưng kết quả nghiên cứu cũng cho thấy vai trò then chốt của các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP, nhưng vai trò này thường xuyên bị bỏ quên”.

VN trong top 18 nền kinh tế mới nổi vượt trội nhất thế giới - Ảnh 2

Các nền kinh tế vượt trội hơn vẫn có sự tương đồng trong hai yếu tố cơ bản là chính sách và động lực từ các công ty lớn. Ảnh: AFP.

Tại Việt Nam, báo cáo cho rằng các chính sách cùng với lợi thế về nhân công lao động rẻ đã biến Việt Nam thành nền kinh tế với giá trị xuất khẩu trong ngành điện tử tăng nhanh nhất, với doanh thu từ xuất khẩu tăng hơn 50% mỗi năm kể từ năm 2009.

Về doanh nghiệp, nhóm các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng vượt trội là nơi chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều doanh nghiệp có khả năng dẫn đầu và thách thức doanh nghiệp ở các nước phát triển.

"Vượt trội" cả về bất bình đẳng

Tình trạng bất bình đẳng cũng nghiêm trọng hơn, hệ số Gini trung bình của nhóm các nước ở Đông Nam Á và Đông Á cao hơn hệ số Gini trung bình của nhóm các nền kinh tế mới nổi. Hệ số Gini càng cao, bất bình đẳng về phân phối thu nhập càng lớn.

Trung Quốc và Philippines nằm trong nhóm những quốc gia bất bình đẳng nhất. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, sự bất bình đẳng về thu nhập nói chung không nghiêm trọng bằng một số nước, nhưng khoảng cách lương giữa những người làm việc cho các công ty vừa và nhỏ so với những người làm tập đoàn lớn lại là tâm điểm chỉ trích. Những khoảng cách như thế này có thể đóng góp vào việc gia tăng bất bình đẳng nói chung.

Dù nhóm các nền kinh tế mới nổi là nơi đã tạo ra một tầng lớp người trung lưu mới trong vài thập niên qua, số lượng người gia nhập tầng lớp trung lưu phân bổ không đều giữa các nền kinh tế này. Trong khi đa số người dân ở các nền kinh tế có thu nhập cao đều đã thuộc tầng lớp trung lưu hoặc trên đó, các nước như Việt Nam, Thái Lan và Campuchia có tương đối ít hộ dân được xếp là trung lưu và việc tăng thêm diễn ra chậm chạp.

VN trong top 18 nền kinh tế mới nổi vượt trội nhất thế giới - Ảnh 3

Bất bình đẳng về thu nhập cũng nghiêm trọng hơn tại Đông Á và Đông Nam Á so với nhóm các nền kinh tế mới nổi nói chung. Ảnh: Reuters.

Tăng trưởng không giúp tăng vai trò phụ nữ

Dù các chỉ số phát triển con người nhìn chung đã đi lên cùng tăng trưởng kinh tế, các nền kinh tế mới nổi cũng chứng kiến khoảng cách đáng kể giữa nam và nữ trong việc tiếp cận y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính và công nghệ, cùng với đó là khoảng cách về giới trong lực lượng lao động.

Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng việc thu hẹp bất bình đẳng giới có thể thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. Thế nhưng, ít ra theo khảo sát của Viện McKinsey, thay đổi không diễn ra theo chiều ngược lại, tức là việc tăng trưởng GDP đầu người không kéo theo sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong lực lượng lao động. 

Ở các nước có thu nhập thấp, phụ nữ thường ờ thế buộc phải lao động. Đến khi nền kinh tế đạt mức thu nhập trung bình, tỷ lệ tham gia của phụ nữ phải giảm sút và chỉ tăng lại ở những nền kinh tế có thu nhập cao, nơi người phụ nữ thường được học cao hơn và tìm được công việc thu nhập tốt hơn.

Tương tự, tỷ lệ tham gia lao động của phụ nữ ở khu vực nông thôn nhìn chung cũng cao hơn thành thị, do công ăn việc làm ở thành phố thường được phân chia rạch ròi và ít linh hoạt hơn, chi phí chăm sóc con cái cũng cao hơn. 

Các quốc gia châu Phi ở vùng cận Sahara, với nền kinh tế chủ yếu ở nông thôn, có tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động trên 100 nam vào khoảng 84, trong khi con số tương tự ở các nước thu nhập trung bình và có mức độ đô thị hóa cao ở Mỹ Latin chỉ là 67.

Tin Cùng Chuyên Mục