Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2025, Ban lãnh đạo Vinhomes cho biết, để đạt được các mục tiêu trên, Công ty sẽ tiếp tục tập trung phát triển các khu đô thị kiểu mẫu quy mô lớn tại các địa bàn chiến lược như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Long An... Đây là những dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp nguồn thu chính trong năm.
Song song với việc mở rộng quỹ đất và triển khai dự án, Vinhomes cũng nhấn mạnh việc nâng cấp và mở rộng hệ sinh thái số. Trọng tâm là việc cập nhật các tính năng mới cho ứng dụng cư dân Vinhomes Residence và hoàn thiện bộ giải pháp SmartCity, nhằm nâng cao trải nghiệm sống và gia tăng giá trị cho các sản phẩm bất động sản.
Trong năm 2024, động lực tăng trưởng của Vinhomes được củng cố bởi sự thành công của các dự án trọng điểm. Đáng chú ý nhất là siêu dự án Vinhomes Royal Island (Vũ Yên, Hải Phòng), với quy mô lên đến 877ha và tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD. Ngay khi ra mắt, dự án này đã tạo tiếng vang lớn, lập kỷ lục với gần 2.000 khách hàng đặt mua chỉ trong tháng đầu mở bán. Tiến độ bàn giao thần tốc (500 căn shop thương mại dịch vụ và shophouse sau 6 tháng) cùng sức hút du lịch (2,5 triệu lượt khách từ tháng 3 đến tháng 12/2024) là minh chứng cho sức hấp dẫn của dự án.
Bên cạnh đó, dự án Vinhomes Global Gate (Đông Anh, Hà Nội), hợp tác đầu tư cùng CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF), cũng nhận được phản hồi tích cực từ thị trường. Lợi thế vị trí cửa ngõ Đông Bắc Thủ đô cùng việc Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia liền kề được khởi công và sắp hoàn thành là những yếu tố gia tăng sức hút cho dự án này.
Tái cấu trúc vốn, hủy kế hoạch phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế
Về hoạt động tài chính, năm 2024 Vinhomes đã chủ động tái cấu trúc nguồn vốn thông qua việc phát hành thành công 9 lô trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 27.000 tỷ đồng. Đây đều là các lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm và kỳ hạn tối đa 24 hoặc 36 tháng.
Đáng chú ý, HĐQT Công ty trước đó đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore với giá trị tối đa 500 triệu USD. Tuy nhiên, theo tài liệu trình ĐHĐCĐ, căn cứ vào tình hình thị trường vốn trong và ngoài nước cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2025, Vinhomes đã quyết định không thực hiện phương án phát hành quốc tế này.
Lợi nhuận giữ lại gần 103.000 tỷ, đề xuất không chia cổ tức 2024
Báo cáo tài chính kiểm toán 2024 cho thấy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của Vinhomes tại ngày 31/12/2024 đạt gần 103.000 tỷ đồng. Với nguồn lực tài chính dồi dào này, HĐQT đề xuất phương án phân phối lợi nhuận khá thận trọng: trích 5 tỷ đồng vào quỹ dự trữ bắt buộc theo Điều lệ Công ty, và toàn bộ phần lợi nhuận còn lại sẽ được giữ lại để phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc Vinhomes có thể sẽ tiếp tục không chia cổ tức cho cổ đông năm 2024, nhằm tập trung nguồn lực cho các kế hoạch tăng trưởng.
Về vấn đề thù lao, năm 2024, Vinhomes đã chi trả hơn 17 tỷ đồng cho 8 thành viên HĐQT và 312 triệu đồng cho 3 thành viên Ban Kiểm soát (BKS). Cho năm 2025, Ban lãnh đạo đề xuất mức trần thù lao không vượt quá 20 tỷ đồng cho HĐQT và không quá 2 tỷ đồng cho BKS.
Tại ĐHĐCĐ sắp tới, Vinhomes cũng sẽ tiến hành bầu bổ sung 2 thành viên BKS cho nhiệm kỳ 2023-2028, sau khi bà Nguyễn Lê Vân Quỳnh và bà Lê Thị Duyên có đơn xin từ nhiệm trước đó.