Lập hồ sơ khống bòn rút ngân sách?
Các hộ dân xã Bình Định đã gửi đơn thư tới nhiều nơi để tố giác hàng loạt sai phạm của lãnh đạo xã. Được biết, sau khi tiếp nhận thông tin, UBND huyện Yên Lạc đã lập đoàn thanh tra và có kết luận về những sai phạm trong công tác quản lý, thu chi tài chính đối với UBND xã và ông Đào Xuân Quang (nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Định), nhưng xử lý không nghiêm khắc nên những sai phạm vẫn cứ tiếp diễn.
Bà Đào Thị Kim (ngụ tại thôn Cung Thượng, xã Bình Định) cho biết: “Trong xóm có 22 hộ dân sinh sống. Thấy đường xóm đi lại vất vả quá nên tháng 3/2013, chúng tôi đã họp bàn nhau tập trung đóng tiền để làm đường. 2 lần đóng góp: lần 1 là để xây rãnh thoát nước khoảng 300.000 đồng/khẩu; lần 2 đóng tiền mua cát, sỏi để đổ đường bê tông mỗi khẩu phải đóng 540.000 đồng. Sau 2 lần đóng góp, ước tính mỗi khẩu chúng tôi phải bỏ ra gần 1 triệu đồng. Việc làm này hoàn toàn là những hộ dân trong xóm và không liên quan đến UBND xã Bình Định”.
Những đóng góp bằng tiền, công sức của nhân dân để làm đường là có thật. Nhưng không hiểu vì lý do gì, UBND xã Bình Định (có chữ ký của ông Quang) đã ra một loạt quyết định, trong đó có liên quan đến việc sửa chữa đường tại thôn Cung Thượng. Bằng chứng là xuất hiện hồ sơ giả như lập dự toán, hợp đồng thi công, quyết toán, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng... với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng. Việc làm của chủ tịch xã đã bị người dân phát hiện và gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hành vi cố ý lập hồ sơ khống để “móc” tiền ngân sách cnêu trên đến nay vẫn chưa bị các cơ quan pháp luật xử lý.
Thanh tra huyện Yên Lạc đã vào cuộc và xác nhận có việc lập hồ sơ khống kể trên. Tuy nhiên, Thanh tra huyện Yên Lạc lại cố tình "làm mờ" sai phạm đó bằng nhận định: "Chưa có biểu hiện lợi dụng để tham ô". Bởi sau một hồi kiểm tra, thanh tra, các vị chỉ tìm thấy rằng "UBND xã Bình Định đã chi 5.300.000 đồng tại số phiếu chi số 53 ngày 20/4/2012, nội dung ghi: chi sửa chữa xây rãnh thoát nước, môi trường ngõ Kim Tài".
Dù số tiền chi tìm thấy qua giấy tờ chỉ có 5.300.000 đồng nhưng nó vẫn là tiền đã chi khống. Nhân dân là người góp tiền xây dựng chứ không phải UBND xã Bình Định nên số tiền đó ai được hưởng?
Chủ tịch xã đi "làm thuê"?
Người dân còn tố cáo ông Quang lợi dụng chức quyền hạn lập trang trại, chiếm đất xây dựng nhà ở khoảng 50 m2, sân vườn rộng khoảng 150 m2, xây dựng chuồng trại tái phép gần 120 m2, đào đột hủy hoại đất một lúa đến nay không trồng trọt được khoảng gần 5.000 m2, trong đó có 1.000 m2 ở sát miệng cống thông từ Ao7 xuống Ao5 tại khu đồng Đề Bình, thôn Yên Quán".
Tuy nhiên, trong Thông báo kết quả giải quyết tố cáo của Thanh tra huyện Yên Lạc số 13/TB-TTr do Chánh Thanh tra Nguyễn Quốc Tấn ký ngày 19/3/2014 để trả lời công dân về nội dung mà người dân ở xã này tố cáo ông Đào Xuân Quang, Thanh tra huyện Yên Lạc lại kết luận rằng ông Quang "không phải là chủ sở hữu của trang trại mà chỉ là người nhận làm khoán cho ông Đào Văn Hải". Điều đáng nói ở đây, ông Quang khi đó giữ cương vị Chủ tịch UBND xã lại được coi là "người nhận làm khoán" cho ông Hải là điều rất vô lý.
Trước đó, vào năm 2006, ông Quang đã tự thỏa thuận mua ruộng của dân rồi sau đó đào ao san lấp để nuôi cá vào đã bị nguyên Chủ tịch UBND xã Bùi Cao Hùng đình chỉ bằng văn bản số 45/QĐ-CT ngày 9/1/2006. Nhưng phía Thanh tra huyện không điều tra sự thật đến cùng, chỉ căn cứ vào những giấy tờ để kết luận vụ việc, khiến người dân rất bức xúc và nghi ngờ.
Ngoài ra, đối với nội dung người dân tố cáo ông Quang đã trốn tránh không đóng sản lượng cho phần diện tích đất ruộng mà đã được dự án đào để lấy đất đắp bờ. Thực tế các diện tích này ở những ao khác, các hộ dân thầu ao vẫn phải gánh sản lượng nhưng riêng ao của ông Quang không gánh sản lượng cho HTX, gây bức xúc trong nhân dân. Phía thanh tra huyện lại lý giải rằng "Ban quản lý HTX Yên Quán chưa tính toán cụ thể, chưa yêu cầu ông Đào Xuân Quang nộp khoản tiền này".
Chính Thanh tra huyện Yên Lạc cũng thừa nhận là "phải trả tiền sản lượng cho phần diện tích này theo đúng quy định". Nghĩa vụ phải đóng tiền là của ông Quang, vậy nhưng lý do "khách quan" là HTX Yên Quán chưa yêu cầu đóng thì ông Đào Xuân Quang được miễn, trong khi mọi hộ dân bình thường khác vẫn phải đóng tiền sản lượng?
Rút ruột công trình xây dựng?
Bên cạnh đó, người dân còn tố cáo việc mập mờ quyết toán khối lượng thi công sân Trường THCS Kim Ngọc, việc "khai khống" số tiefn mua máy photocopy (chênh lệch khoảng 30 triệu đồng) cũng được người dân phát hiện tố cáo nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Trong việc xây dựng sân trường THCS Kim Ngọc trị giá hơn 1 tỷ đồng, ông Quang tự ý giao thầu, không bàn bạc với ai. Lãnh đạo nhà trường không ký nghiệm thu, chất lượng công trình không đảm bảo so với thiết kế nhưng vẫn nghiệm thu và quyết toán đầy đủ. Kết luận của Thanh tra huyện Yên Lạc cho rằng: "Ủy ban kiểm tra huyện ủy đã kiểm tra, xem xét, xử lý, đoàn thanh tra không xem xét lại".
Sân trường THCS Kim Ngọc thi công không đúng thiết kế nhưng vẫn được nghiệm thu.
Đáng nhẽ ra Thanh tra huyện Yên Lạc phải sử dụng kết qủa kiểm tra của Ủy ban kiểm tra Huyện ủy để có thể đưa ra được kết luận đúng đắn nhất về vụ việc và làm rõ trách nhiệm của ông Quang với tư cách là Chủ tịch UBND xã Bình Định khi đó.
Bên cạnh đó, Thanh tra huyện Yên Lạc cũng chỉ ra rằng việc ông Đào Xuân Quang tự ý cho phép bên B thi công không đúng với thiết kế, không làm các thủ tục điều chỉnh thiết kế, dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nghiệm thu quyết toán không đúng với thực tế thi công là vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư, xây dựng. Nhưng sự việc này cũng được "bỏ qua" một cách khó hiểu.
Ngoài sự việc trên, cuối năm 2012, ông Quang trực tiếp chỉ đạo việc đổ tấm đan đậy nắp rãnh thoát nước ở 2 thôn Cốc Lâm và Cung Thượng. Tuy nhiên các tấm đan này không đúng với quy cách, không đủ số lượng, sắt bê tông bị ăn bớt vậy mà vẫn được nghiệm thu, thanh toán đầy đủ.
Cụ thể, Thanh tra huyện Yên Lạc chỉ ra một lượng lớn các tấm bê tông bị sử dụng sai mục đích, không sử dụng (để trong dân) hay không thể kiểm đếm được vì đã dùng vào việc khác. Bên cạnh đó lượng thép được sử dụng để đúc các tấm bê tông đó cũng thiếu hụt, không đúng quy cách ban đâu, số tiền chênh lệch lên đến hàng chục triệu đồng... nhưng vẫn được chính quyền xã Bình Định vẫn tiến hành nghiệm thu đầy đủ.
Nhiều rãnh nước không được thi công tấm đan,hoặc có tấm đan nhưng thiếu hụt nguyên liệu nhưng vẫn được nghiệm thu.
Vậy nên người dân thắc mắc Thanh tra huyện kết luận rằng lãnh đạo xã Bình Định "thiếu sâu sát, để xảy ra ở đơn vị mình phụ trách với các sai phạm trong việc thi công, quản lý các tấm bê tông đậy rãnh thoát nước ở hai thôn Cốc Lâm và Cung Thượng"(?) liệu có nương nhẹ và ưu ái quá mức?
Cần xử lý nghiêm minh
Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy huyện Yên Lạc đã có Quyết định số 59-QĐ/UBKT ngày 24/1/2013 thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với những sai phạm của ông Đào Xuân Quang. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy huyện Yên Lạc, ông Đào Xuân Quang (Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Định vào thời gian đó), đã mắc phải những sai phạm sau: Đã chỉ đạo kế toán ngân sách xã thu không đúng nguyên tắc tài chính, số tiền vi phạm là 7,5 triệu đồng; thiếu công khai dân chủ; lập dự toán, quyết toán công trình tu sửa đường liên thôn Cung Thượng đi Đại Nội, gây thắc mắc trong nhân dân; lập danh sách đề nghị và nhận tiền phụ cấp của cán bộ trưởng khối dân vận xã không đúng đối tượng, sai quy định với số tiền gần 4,4 triệu đồng; vi phạm điều 4, điều 10 Quy chế làm việc của UBND xã để cán bộ địa chính - xây dựng thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, thu tiền vượt quá mức quy định trong việc nhận làm hộ thủ tục chuyển quyền sử dụng đất...
Bên cạnh đó, ngày 7/7/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Kim Thị Phương (cán bộ địa chính xã Bình Định) vì có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Sau đó, bà Phương đã bị kết án 3 năm tù. Còn ông Quang với tư cách là Chủ tịch UBND xã Bình Định khi đó, với rất nhiều những sai phạm, thiếu sót trong quá trình quản lý, lập hồ sơ khống về việc thi công... thì vẫn "bình yên vô sự" đến nay.