Viện sẽ thực hiện các nghiên cứu khoa học đột phá trong lĩnh vực AI và máy học mang tầm cỡ hàng đầu thế giới nhằm đưa Việt Nam vào bản đồ AI toàn cầu. Viện do Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực AI thế giới, làm Viện trưởng.
Viện Nghiên cứu AI sẽ nghiên cứu những vấn đề khoa học cơ bản trong AI mà cốt lõi là các thuật toán về học máy, học sâu và ứng dụng trong môt loạt các lĩnh vực như xử lý và hiểu hình ảnh, video, ngôn ngữ, giọng nói, hành vi tương tác người dùng… Đặc biệt, Viện sẽ ưu tiên những vấn đề thế giới đang quan tâm hoặc những vấn đề mang tầm quan trọng cốt lõi đối với Việt Nam.
Mục tiêu của Viện là xây dựng một lực lượng nòng cốt các chuyên gia hàng đầu về AI cho Tập đoàn Vingroup nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là ươm mầm cho những tài năng về AI cho Việt Nam trong tương lai, đồng thời tư vấn và chuyển giao kiến thức công nghệ cho Tập đoàn hoặc các đối tác.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu AI là Tiến sĩ Bùi Hải Hưng. Tiến sĩ Hưng gia nhập Vingroup từ Google DeepMind, nơi ông từng đảm nhiệm vị trí nghiên cứu cấp cao. Tiến sĩ Hưng được đánh giá là nhà sáng chế trí tuệ nhân tạo tại Google. Ông có gần 100 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên môn và hơn 10 bằng sáng chế về công nghệ được đánh giá tại Mỹ.
Ông từng lãnh đạo một nhóm các nhà nghiên cứu từ nhiều trường Đại học hàng đầu của thế giới (Stanford, MIT, Berkeley) trong việc phát triển công nghệ nhận diện hành vi của con người, trực thuộc dự án CALO, dự án về AI lớn nhất tính đến thời điểm đó và còn được biết đến như dự án đã sản sinh ra công nghệ trợ lý ảo đầu tiên Siri trong Apple iPhone. Ông cũng đã từng công tác tại Adobe Research và phòng nghiên cứu ngôn ngữ tự nhiên của Nuance. Ông là thành viên trong Ban biên tập tạp chí Artificial Intelligence.
Viện VinAI là bước đi tiếp theo của Tập đoàn Vingroup theo định hướng trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế. Trước đó Vingroup đã thành lập: Công ty Phát triển Công nghệ VinTech, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn, Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup.... Về triển khai, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn do Giáo sư Vũ Hà Văn làm Giám đốc Khoa học đã công bố triển khai dự án: Giải mã bộ gen người Việt. Công ty VinTech mới đây đã công bố xây dựng mạng lưới VinTech toàn cầu và đặt trụ sở đầu tiên tại Hàn Quốc.
Về sản phẩm, tháng 10/2018, Vingroup đã ra mắt thành công 2 chiếc ô tô VinFast tại triển lãm Paris Motors Show, tháng 12/2018, Vingroup đã công bố 4 sản phẩm điện thoại thông minh Vsmart tới người tiêu dùng.
Với việc tiếp tục thành lập một viện nghiên cứu khoa học đỉnh cao, Vingroup đã và đang tiếp tục khẳng định tầm nhìn toàn cầu và khả năng triển khai tốc độ trên hành trình 10 năm trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế.
Các Công ty thuộc nhóm Công nghệ của Tập đoàn Vingroup:
- Công Ty Cổ Phần Phát Triển Công Nghệ VinTech: Đầu tư vốn, Quản lý quỹ hoạt động, Quản trị hoạt động các Công ty công nghệ và Viện nghiên cứu.
- Công ty CP giải pháp và dịch vụ công nghệ VANTIX: Xây dựng hạ tầng nền tảng phân tích dữ liệu, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan ứng dụng AI và học máy.
- Công ty TNHH Dịch vụ An ninh mạng VINCSS: Cung cấp các dịch vụ, triển khai các dự án bảo vệ và phát triển các sản phẩm an ninh mạng.
- Công Ty TNHH Sản Xuất Và Kinh Doanh Phần Mềm HMS: Nghiên cứu, thiết kế, phát triển các sản phẩm phần mềm.
- Công ty TNHH triển khai hệ thống phần mềm Vinsoftware: Triển khai các giải pháp phần mềm doanh nghiệp, gia công các phần mềm.
- Công Ty TNHH VinTech Hàn Quốc: Nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho Vingroup dựa trên các thế mạnh công nghệ của thị trường Hàn Quốc.
- Công Ty VinTech - Nhật Bản: Nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho Vingroup dựa trên các thế mạnh công nghệ của thị trường Nhật Bản.
- Công Ty VinTech - Hoa Kỳ: Nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho Vingroup dựa trên các thế mạnh công nghệ của thị trường Mỹ.