Từ lâu, tập đoàn Vingroup đã lên kế hoạch tập trung cho công nghệ - công nghiệp, cụ thể là hai thương hiệu VinFast và Vsmart, hướng đến xây dựng vị thế toàn cầu, đem sản phẩm “made in Vietnam” ra thế giới. Để đạt được mục tiêu này, Vingroup phải tập trung hết mọi nguồn lực có thể.
Ô tô, xe điện VinFast; sản phẩm công nghệ Vsmart... là tham vọng mới của Vingroup
Theo đó, mảng bán lẻ dù đem về doanh thu lớn thứ nhì (theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ quý 3/2019) nhưng đã không phù hợp với chiến lược mới. Vì vậy mảng này vừa được Vingroup tái cơ cấu, bao gồm việc giải thể chuỗi siêu thị điện máy VinPro. Trước đó, VinPro phủ sóng tại tất cả các Vincom trên cả nước với tổng diện tích mặt bằng thuê khá lớn.
"Chúng tôi sẽ thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, tái cấu trúc hoặc giải thể các công ty con không thuộc ưu tiên cốt lõi để tập trung nguồn lực cho những dự án lớn, đủ sức đưa Vingroup trở thành một tập đoàn có tầm vóc trên trường quốc tế" - ông Quang khẳng định.
CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang
Câu hỏi khiến nhiều người thắc mắc là thiếu đi VinPro, có lẽ Vingroup sẽ mất đi một lợi thế khổng lồ về đầu ra cho các sản phẩm VinSmart? Tuy nhiên, CEO Nguyễn Việt Quang đã khẳng định ngay: VinPro giải thể cũng không có tác động gì lớn, vì tập đoàn không phụ thuộc vào 1-2 nhà phân phối cố định "trong nhà" mà sẽ cung cấp rộng rãi tới các chuỗi bán lẻ như Thế giới di động, FPT Shop, Viettel Store…
"Đây cũng là chính sách bán hàng của chúng tôi từ xưa đến nay. Mục tiêu là khách hàng có thể dễ dàng mua sản phẩm ở bất cứ điểm bán nào. Chúng tôi bắt tay mọi đối tác để mở rộng quan hệ hợp tác chứ không gói gọn trong một vài nhà phân phối cụ thể" - ông Quang nói.
Mặt khác, thị trường bán lẻ công nghệ Việt Nam đã quá khốc liệt. Vị trí số 1 thuộc về Thế Giới Di Động (TGDD) với 45% thị phần điện thoại di động. Đối thủ tiếp theo là FPT Shop bị bỏ xa với 10% thị phần. Hơn ai hết, VinGroup hiểu rõ cuộc chiến bán lẻ công nghệ gay gắt thế nào: đứa con cưng VinPro sau nhiều năm được tập đoàn mẹ chống lưng vẫn không thể tạo ra dấu ấn rõ rệt.
Ngược lại, khi chấp nhận “buông tay” VinPro, VinGroup không còn là đối thủ của Thế Giới Di Động và FPT nữa. Điều đó có nghĩa, Vsmart có thể thoải mái lan tỏa ra khắp nơi ở thị trường Việt, thông qua 2 mạng lưới vốn là đối thủ trực tiếp của VinPro.
Từ bỏ VinPro...
... để Vsmart có thể thoải mái lan tỏa, hướng tới mục tiêu giành thị phần và phổ cập smartphone thật nhanh.
Quyết định của Vingroup cũng không phải là xa lạ với các nhà sản xuất lớn. Ví dụ như “vua smartphone” Samsung chỉ mới có 4 cửa hàng Samsung Experience Store trên đất Mỹ, còn lại thì phân phối tại các chuỗi bán lẻ độc lập như Best Buy, Costco…
Tóm lại, việc giải thể VinPro (cũng như sáp nhập Adayroi.com hay nhượng lại hệ thống VinMart, VinMart+ cho Masan) có thể gây bất ngờ khi công bố nhưng đều nằm trong tính toán chiến lược của Vingroup. Đây là nước cờ rất thực tế và cũng đầy táo bạo, mạnh tay gác lại những mảng không phải cốt lõi để chắt chiu cho những trận đánh lớn hơn ở cả thị trường Việt lẫn quốc tế.