Ngày pháp luật

Vinasun (VNS): Lợi nhuận giảm sâu, cổ tức tiền mặt bào mòn lợi nhuận giữ lại, tính chuyển gần 270 tỷ từ quỹ sang

Khánh Ly

Từng là "ông lớn" ngành taxi truyền thống, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, HoSE: VNS) đang đối mặt với tình trạng lợi nhuận liên tục suy giảm trong những năm gần đây. Đáng chú ý, dù kinh doanh đi xuống, doanh nghiệp vẫn duy trì chính sách cổ tức tiền mặt tỷ lệ cao, khiến nguồn lợi nhuận lũy kế ngày càng cạn kiệt.

Lợi nhuận lao dốc, cổ tức vẫn "hào phóng"

Sau giai đoạn khó khăn vì Covid-19 với hai năm thua lỗ, Vinasun ghi nhận sự phục hồi trong năm 2022 với lợi nhuận 186,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, đà tăng trưởng không duy trì được lâu. Năm 2023, lợi nhuận sau thuế đạt 151,2 tỷ đồng, giảm 18,4%. Sang năm 2024, con số này tiếp tục "bốc hơi" 44,4%, chỉ còn 84,07 tỷ đồng.

Bước sang năm 2025, ban lãnh đạo Vinasun đặt kế hoạch kinh doanh còn thận trọng hơn với mục tiêu lợi nhuận chỉ 53,63 tỷ đồng, tiếp tục giảm 36,2% so với thực hiện năm 2024.

Điều nghịch lý là trong bối cảnh lợi nhuận liên tục đi xuống, Vinasun vẫn duy trì chính sách chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ khá cao. Cụ thể, tỷ lệ cổ tức năm 2022 là 8%, năm 2023 vọt lên 45% và năm 2024 là 15%. Cho năm 2025, công ty dự kiến trình cổ đông thông qua mức cổ tức 10%, tương ứng số tiền dự chi khoảng 67,9 tỷ đồng.

Việc chi trả cổ tức "khủng" năm 2023 (45%) từng gây thắc mắc cho cổ đông tại ĐHĐCĐ năm trước. Giải trình về vấn đề này, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch HĐQT Vinasun, cho rằng chính sách này dựa trên cơ sở tri ân cổ đông đã gắn bó lâu dài (90-95%) và công ty luôn cân đối giữa phát triển và quyền lợi cổ đông.

Tuy nhiên, việc liên tục dùng tiền mặt trả cổ tức cao trong khi lợi nhuận giảm đã tác động trực tiếp đến sức khỏe tài chính của Vinasun. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty đã giảm mạnh từ 442,1 tỷ đồng cuối năm 2021 xuống chỉ còn 114,7 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Lượng tiền và tương đương tiền cũng giảm từ 371 tỷ đồng xuống còn 270,17 tỷ đồng trong cùng giai đoạn.

Tính chuyển quỹ sang lợi nhuận để có nguồn chia cổ tức

Để giải quyết bài toán nguồn chi trả cổ tức trong tương lai, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 sắp tới, Vinasun sẽ trình cổ đông phương án chuyển đổi nguồn. Cụ thể, công ty dự kiến chuyển 268,69 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư phát triển và Quỹ dự phòng tài chính sang Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Mục đích là tạo sự chủ động trong việc chia cổ tức hoặc phát hành cổ phiếu thưởng sau này.

Áp lực cạnh tranh khốc liệt từ taxi công nghệ và xe điện

Về chiến lược kinh doanh, Vinasun vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng, tiếp tục đầu tư xe mới (chủ yếu là dòng hybrid) và nâng cao chất lượng dịch vụ. Kế hoạch năm 2025 là đầu tư khoảng 400 xe mới và thanh lý 500 xe cũ, đưa tổng số xe hoạt động cuối năm về 2.368 chiếc (giảm so với 2.418 chiếc cuối năm 2024).

Tuy nhiên, ngành taxi đang chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Sự trỗi dậy của các ứng dụng gọi xe công nghệ và đặc biệt là xu hướng taxi điện đang tạo ra áp lực lớn lên các hãng taxi truyền thống như Vinasun.

Sự xuất hiện của Xanh SM (GSM) với lợi thế xe điện VinFast chi phí vận hành thấp đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Theo dữ liệu từ Mordor Intelligence cuối năm 2024, Xanh SM đã vượt qua Grab để dẫn đầu thị phần taxi công nghệ (37,41% so với 36,62% của Grab). Gần đây, nhiều hãng taxi truyền thống khác cũng bắt đầu chuyển đổi sang xe điện (như liên minh 4 hãng taxi tại Hà Nội mua xe VinFast, sự ra đời của 911 Taxi tại khu vực phía Nam).

Trong bối cảnh đó, thị phần của các hãng taxi truyền thống như Vinasun và Mai Linh ngày càng bị thu hẹp, chỉ còn lần lượt 2,44% và 4,81% theo dữ liệu nói trên. Bài toán cân đối giữa việc đầu tư đổi mới đội xe để cạnh tranh và duy trì chính sách cổ tức hấp dẫn cho cổ đông sẽ là thách thức lớn đối với ban lãnh đạo Vinasun trong thời gian tới.

Tin Cùng Chuyên Mục