Dự án trên được ký kết trong khuôn khổ chuyến làm việc, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Theo đó, các bên sẽ hình thành liên doanh đầu tư cơ sở chăn nuôi, chế biến, phân phối sản phẩm thịt bò tại Việt Nam, cung cấp cho thị trường toàn quốc và xuất khẩu.
Trong đó, giai đoạn 1 của dự án dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023 có quy mô công suất là khoảng 30.000 bò thịt/năm, với cơ sở chế biến khép kín, công nghệ hiện đại. Quy mô hợp tác giữa các nhà đầu tư xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư dự án tại tỉnh Vĩnh Phúc là 1.670 tỷ đồng. Ở giai đoạn tiếp theo sẽ có thêm các sản phẩm nguồn gốc protein khác với công nghệ chế biến sâu.
Tại lễ ký kết, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đánh giá cao dự án triển khai tại Vĩnh Phúc sẽ giúp thúc đẩy hợp tác phát triển lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc và các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, trên nhiều mặt từ hợp tác kỹ thuật, nghiên cứu, phát triển cơ sở hạ tầng đến liên doanh liên kết và đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Với tiềm năng, lợi thế hiện có của tỉnh Vĩnh Phúc, mục tiêu của dự án phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới, tạo ra sự thúc đẩy mạnh mẽ tới ngành nông nghiệp chăn nuôi của tỉnh.
Trước đó, trong năm 2021, Tập đoàn Sojitz và Vilico, công ty thành viên thuộc Vinamilk, đã đạt thỏa thuận hợp tác và thành lập một liên doanh là Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Nhật (JVL) thực hiện chăn nuôi, chế biến, nhập khẩu và phân phối các sản phẩm thịt bò tại thị trường Việt Nam. Vilico sở hữu 51% và Sojitz sở hữu 49% vốn trong liên doanh này.
Tại Việt Nam, Vilico là công ty có truyền thống và thương hiệu lâu năm về chăn nuôi và chế biến và phân phối các sản phẩm thịt. Sau khi trở thành thành viên của Vinamilk, Vilico có thêm lợi thế về nguồn lực tài chính, quản trị và công nghệ chăn nuôi, hệ thống quản lý tiên tiến đã được Vinamilk ứng dụng thành công tại nhiều trang trại bò sữa theo các tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.
Chia sẻ về định hướng của dự án, ông Trịnh Quốc Dũng – Tổng Giám đốc Vilico, Giám đốc Điều hành Phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk cho biết: “Có thể nói, đây là một dự án hội tụ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Chúng tôi đã tìm được đối tác phù hợp, cùng phát huy các thế mạnh của nhau. Công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm lâu năm của Nhật Bản kết hợp với các thế mạnh về nguồn lực và thị trường của Vinamilk sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, vượt trội với giá cả hợp lý để phục vụ, thoả mãn các nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Trên cơ sở được tỉnh Vĩnh Phúc tạo điều kiện thuận lợi về chính sách đầu tư và khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cùng với nguồn lực và chiến lược bài bản, dài hạn từ các bên, thì dự án này được kỳ vọng sẽ đặt nền tảng vững chắc cho những bước phát triển mới trong ngành chăn nuôi và chế biến các sản phẩm thịt an toàn, chất lượng cao tại Việt Nam trong những năm tới.”
Bên cạnh đó, Tập đoàn Sojitz là một trong những tập đoàn đa ngành quy mô lớn và có tốc độ tăng trưởng nhanh của Nhật Bản, đã tham gia và đầu tư vào Việt Nam trong nhiều năm qua trong các lĩnh vực sản xuất phân bón, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thực phẩm chế biến sẵn, chuỗi cửa hàng tiện lợi và logistics... Tại Nhật Bản, Sojitz hiện cũng là một trong các đơn vị nhập khẩu và phân phối thịt bò từ Bắc Mỹ và Úc quy mô lớn cùng với các hoạt động tiếp thị, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi.
Chia sẻ thêm về chiến lược kinh doanh, đại diện tập đoàn Sojitz cho biết: “Với mục tiêu xây dựng một hệ thống cung cấp thực phẩm ổn định tại Việt Nam và Đông Nam Á, chúng tôi sẽ làm việc với đối tác chiến lược của mình để thúc đẩy kinh doanh, kết hợp thế mạnh của Vilico và Vinamilk cùng với bí quyết kinh doanh sản phẩm chăn nuôi của Sojitz. Thông qua việc thành lập liên doanh này, chúng tôi kỳ vọng sẽ cung cấp các sản phẩm thịt bò chất lượng cao an toàn và đáng tin cậy cho thị trường Việt Nam và ngược lại, mang các sản phẩm thịt bò của Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng trong tương lai.”
Có thể nói, biên bản ghi nhớ lần này được ký kết dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản thể hiện tầm quan trọng của các hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp hai nước, nâng tầm chiến lược quan hệ hai nước không chỉ về chính trị mà còn cả về kinh tế, hợp tác cùng phát triển, nhất là trong ngành có tính chiến lược như nông nghiệp, chăn nuôi mà cả hai quốc gia đều có các thế mạnh.