Cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk nhiều năm qua luôn nằm trong top đầu cổ phiếu hấp dẫn nhất thị trường với các quỹ đầu tư nước ngoài. Cùng với MSN của Masan và HPG của Hòa Phát, VNM dẫn đầu danh mục đầu tư của các quỹ này tại thị trường Việt Nam.
Vinamilk cũng là một trong số ít doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông ngoại lên tới hàng chục đơn vị thành viên.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, cổ phiếu Vinamilk giảm sức hấp dẫn với nhiều quỹ ngoại trong khi hai ông lớn đến từ Scotland và Thái Lan vẫn miệt mài gom mua.
Nhiều đại gia ngoại dần giảm tỷ trọng
Platinum Victory xuất hiện tại Vinamilk từ cuối năm 2017 trong đợt đấu giá của SCIC. Đại gia này đã chi gần 9.000 tỷ đồng để mua lại hơn 48,3 triệu cổ phiếu VNM (3,3%) từ SCIC.
Quỹ này còn gom thêm hơn 100 triệu cổ phiếu từ các nhà đầu tư khác để trở thành cổ đông lớn thứ 3 nắm giữ trên 10% cổ phần của hãng sữa.
Tham vọng sở hữu Vinamilk của đại gia ngoại này được khẳng định khi liên tục đăng ký mua thêm hàng chục triệu cổ phiếu VNM thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Trong khi đó, nhiều quỹ ngoại khác lại có động thái ngược lại khi giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu VNM trong danh mục đầu tư của mình.
|
Cổ phiếu VNM của Vinamilk luôn nằm trong danh mục đầu tư của các quỹ ngoại tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Duy Tín. |
Đáng kể nhất là Dragon Capital VEIL, quỹ đầu tư có giá trị lớn nhất thị trường Việt Nam. Trong nhiều năm, VNM luôn nằm trong danh mục của VEIL với tỷ trọng rất cao, có giai đoạn lên tới gần 30% giá trị tài sản ròng của quỹ.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2015, quỹ này liên tục bán ròng cổ phiếu VNM và dần giảm tỷ trọng cổ phiếu này trong danh mục đầu tư. Hiện tại, tỷ trọng VNM trong giá trị tài sản ròng của quỹ chỉ còn xếp thứ 10 với 3,03%, tương đương khoảng 45 triệu USD.
Tỷ trọng VNM trong danh mục đầu tư của quỹ này hiện thấp hơn rất nhiều cổ phiếu khác trên thị trường như Thế giới Di động MWG-0.2%(8,2%); ACB (7,11%); Sabeco (5,69%); hay Nhà Khang Điền (5,53%)…
Tương tự, từng chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục đầu tư của Vietnam Opportunity Fund Ltd (VOF, thuộc VinaCapital), hiện tại VNM chỉ còn là cổ phiếu lớn thứ 4 trong danh mục của quỹ chiếm 6% giá trị ròng. Tỷ trọng của VNM kém xa Hòa Phát (14,7%); Nhà Khang Điền (8,7%) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (7,5%).
Tại Government of Singapore (GIC), một trong 3 nhánh đầu tư của Chính phủ Singapore và hiện là một trong những nhà đầu tư tài chính lớn nhất trên thị trường vốn Việt Nam, VNM xuất hiện trong danh mục đầu tư của quỹ này với khoảng 10,4 triệu cổ phiếu (0,7%), tương đương khoảng 1.400 tỷ đồng. Giá trị này thấp hơn nhiều so với khoản đầu tư tại Masan trị giá trên 4.300 tỷ đồng; hay Vietjet với gần 3.000 tỷ đồng…
Nhiều quỹ khác cũng dần giảm tỷ trọng sở hữu cổ phiếu VNM trong danh mục đầu tư.
Tuy nhiên, với mức vốn hóa khổng lồ, Vinamilk hiện vẫn là một trong những cổ phiếu quan trọng trong danh mục đầu tư của các quỹ ngoại lâu năm như Matthews Pacific Tiger; Arisaig Asia Consumer Fund hay Deutsche Bank AG London…
Có thể thấy, nhiều cổ phiếu VNM trong danh mục các quỹ ngoại đã được chuyển giao sang Platinum Victory.
Hiếm nhà đầu tư nào thể thiện tham vọng sở hữu VNM lớn như quỹ này khi chi hàng chục nghìn tỷ đồng trong thời gian ngắn để thâu tóm lượng lớn cổ phiếu doanh nghiệp và vẫn liên tục đăng ký mua thêm.
Chỉ còn là cuộc chơi tay ba
Việc các quỹ ngoại dần thoái lui và tham vọng sở hữu của F&N Group và Platinum Victory định vị cuộc chơi tại VNM.
Trong một cuộc trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng cho hay, ông đánh giá rất cao Vinamilk và đây chính là ví dụ tốt nhất trong việc bán vốn tại doanh nghiệp Việt.
Ông trùm đầu tư tài chính này cho rằng Vinamilk là một điển hình tốt với cơ cấu đa chủ sở hữu. Chính điều này đã giúp Vinamilk hoạt động không vì lợi ích của bất kỳ ai mà vì lợi ích của chính doanh nghiệp. Đó cũng là lý do VNM trở lên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư giá trị dài hạn hơn là việc nắm giữ đơn thuần.
Hiện tại, hơn 2/3 cổ phần Vinamilk đã nằm trong tay 3 nhà đầu tư lớn nhất là SCIC (36%); F&N Group (20%) và Platinum Victory (10,6%).
Báo cáo của Vinamilk cũng cho biết tính tới cuối năm 2017, 20 cổ đông lớn nhất cũng mới chỉ nắm giữ hơn 79% cổ phần doanh nghiệp. Ngoài 3 cái tên trên, một số quỹ đang nắm giữ lượng cổ phần VNM đáng kể như nhóm quỹ Matthews (3,5%); nhóm Genesis Group (2,4%); Arisaig Asia Consumer Fund (1,65%); Deutsche Bank AG (1,09%)…
Trong khi SCIC vẫn chưa có động thái nào muốn thoái bớt cổ phần của mình tại đây, 2 nhà đầu tư F&N và Platinum Victory vẫn đang miệt mài đăng ký mua vào cổ phiếu VNM bất cứ khi nào có thể.
Suốt từ cuối năm 2017, chỉ 2 quỹ này thay nhau đăng ký mua vào hàng chục triệu cổ phiếu VNM.
Mới đây nhất, Platium Victory đã thông báo chưa mua được cổ phiếu VNM nào trong tổng số hơn 17,41 triệu cổ phiếu đăng ký mua từ ngày 31/10 đến 29/11. Nguyên nhân do điều kiện thị trường không thuận lợi. Ngay sau đó, quỹ này đã thông báo sẽ tiếp tục đăng ký mua đúng 17,41 triệu cổ phiếu VNM theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn hoặc giao dịch thông qua Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Đứng sau hai quỹ ngoại này không phải ai xa lạ với thị trường tài chính Việt. Sau F&N Group chính là TCC Holdings, tập đoàn thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, người đã chi gần 5 tỷ USD để thâu tóm cổ phần chi phối tại Sabeco hồi cuối năm 2017.
Trong khi đó, ông chủ đứng sau Platium Victory chính là những tỷ phú người Scotland sở hữu Tập đoàn Jardine Cycle & Carriage (JC&C). Thông qua JC&C, các tỷ phú gốc Scotland đang sở hữu vốn tại hàng loạt doanh nghiệp cỡ lớn tại Việt Nam như Cơ Điện Lạnh REE, Ngân hàng ACB, Ôtô Trường Hải…