Ngày pháp luật

Vinalines nói gì việc cổ phiếu bị hạn chế giao dịch?

Theo N.Khánh/Báo Giao Thông

Cổ phiếu của Vinalines bị giới hạn giao dịch vì kiểm toán từ chối đưa ý kiến về báo cáo tài chính năm 2017.

Vinalines nói gì việc cổ phiếu bị hạn chế giao dịch? - Ảnh 1

Đầu tháng 10/2018, Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) đưa 5,4 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán MVN. Đây là số lượng cổ phần trúng đấu giá trong phiên IPO (5/9) của Vinalines và đã được nhà đầu tư thanh toán. Tuy nhiên, ngay sau đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra thông báo hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu của Vinalines với lý do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất năm 2017 của Tổng công ty.

Lý giải vấn đề này, tại văn bản giải trình gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q.Tổng giám đốc Vinalines cho biết, các DN vận tải biển trước đây, khi thị trường tốt đã đầu tư rất nhiều tàu và vay ngân hàng bằng ngoại tệ để đầu tư. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, kinh tế thế giới suy thoái dẫn đến giá cước vận tải sụt giảm, trong khi đó giá nhiên liệu liên tục tăng, lạm phát và chênh lệch tỷ giá tiền VND so với đô la Mỹ (USD) liên tục được điều chỉnh làm tăng thêm chi phí.

"Doanh thu không đủ bù đắp chi phí khấu hao, lãi vay tàu và các khoản liên quan nên các DN vận tải biển của Vinalines, bao gồm: CTCP Vận tải biển VN, CTCP Vận tải và thuê tàu biển VN, CTCP vận tải biển Vinaship, CTCP Đầu tư cảng Cái Lân, CTCP vận tải biển Biển Đông , CTCP Vinalines Nha Trang hiện đang thua lỗ, phần lớn đã vượt quá số vốn đầu tư của chủ sở hữu”, ông Tĩnh chia sẻ.

Theo ông Tĩnh, các đơn vị thành viên nói trên do chiếm một phần đáng kể trong tổng tài sản và tổng nợ phải trả trong bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 31/12/2017 nên kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty và các công ty con như một đơn vị kinh tế thống nhất dưới cơ cấu hiện thời theo quy định chuẩn mức kiểm toán.

“Để khắc phục tình trạng trên, Vinalines đang thực hiện thoái vốn tại các DN: CTCP Vận tải biển VN (Vosco), CTCP Vận tải và thuê tàu biển VN, CTCP vận tải biển Vinaship, CTCP Vinalines Nha Trang theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT xuống dưới mức chi phối. Khi đó, các DN còn lại là CTCP Đầu tư cảng Cái Lân, CTCP vận tải biển Biển Đông sẽ chiếm tỷ trọng nhỏ trong bảng cân đối kế toán hợp nhất của Tổng công ty và sẽ không còn tình trạng đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính”, ông Tĩnh thông tin.

Cũng theo ông Tĩnh, Tổng công ty và các công ty con cũng đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nợ với ngân hàng theo Nghị quyết số 107 của Chính phủ, qua đó, xóa dần được nợ gốc và lãi vay tại các ngân hàng; Đồng thời, thực hiện sắp xếp lại nhân sự, đặc biệt là thanh lý các tài sản xấu để cắt lỗ, từng bước ổn định tài chính và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tin Cùng Chuyên Mục