Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2020 với doanh thu thuần đạt 2.635 tỷ đồng giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019. Còn giá vốn hàng bán giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2019, xuống mức 2.140,8 tỷ đồng.
Vì vậy, lợi nhuận gộp của Vinalines đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 494,6 tỷ đồng.
Trong kỳ, Vinalines ghi nhận 147 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, hoạt động liên doanh, liên kết cũng mang về cho doanh nghiệp khoản lãi hơn 41 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ 2,3 tỷ đồng.
Về chi phí, chi phí tài chính và bán hàng của Vinalines lần lượt ở mức 156 tỷ đồng và 17 tỷ đồng. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến từ 327,7 tỷ đồng lên 1.310 tỷ đồng khiến Vinalines lỗ thuần 800 tỷ đồng trong quý IV/2020.
Nhờ thu nhập từ thanh lý tài sản và lãi vay được xóa, cơ cấu nợ với ngân hàng, doanh nghiệp ghi nhận 688 tỷ đồng lợi nhuận khác, khoản lợi nhuận sau thuế của Vinalines chỉ âm 240 tỷ đồng.
So với kết quả lợi nhuận sau thuế là 674 tỷ đồng trong quý IV/2019, kết quả được doanh nghiệp ghi nhận trong kỳ kinh doanh này là rất tiêu cực.
Lũy kế cả năm 2020, Vinalines ghi nhận 9.991 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2019. Còn lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp âm 180,6 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm gần 324 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân, đại diện Vinalines cho biết, khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi và hàng tồn kho trị giá 397 tỷ đồng, cùng khoản phân bổ lợi thế kinh doanh trị giá 583 tỷ đồng của công ty mẹ khi Vinalines chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần là yếu tố chính khiến lợi nhuận sau thuế năm 2020 của doanh nghiệp đảo chiều so với năm trước.
Về quy mô tài sản, tổng tài sản của Vinalines là 24.481 tỷ đồng tính tới 31/12/2020, giảm 4,7% so với thời điểm đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn của doanh nghiệp cuối năm 2020 là 6.790 tỷ đồng, chiếm gần 28% tổng tài sản.
Vốn chủ sở hữu của Vinalines là 9.425 tỷ đồng tính tới ngày 31/12/2020, trong đó khoản lỗ sau thuế chưa phân phối là gần 3.169 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay của doanh nghiệp là 6.739 tỷ đồng, trong đó cấu phần nợ vay ngân hàng chiếm tỷ trọng 54%.
Đáng chú ý, giá trị khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng và tổ chức tín dụng đã tăng tới 664% so với thời điểm đầu năm, trong khi giá trị khoản vay dài hạn từ ngân hàng và tổ chức tín dụng giảm 15,8% so với thời điểm đầu năm.
Link bài gốc