Ngày pháp luật

Vinaconex muốn dứt điểm mâu thuẫn nội bộ trong năm 2020

Nguyễn Hà

(Doanhnhan.vn) - Chủ tịch HĐQT Vinaconex muốn bán hoặc mua lại dự án Splendora cho Phú Long để chấm dứt những bất đồng của 2 bên hơn một năm qua.

Đại hội cổ đông của Tổng công ty cổ phần Xây dựng xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex, Mã CK: VCG) diễn ra ngày 29/6 do ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT chủ trì.

Ở phần chất vấn, cũng là phần được kỳ vọng sẽ "nóng" nhất đại hội, ông Thanh nhận được 8 câu hỏi, viết ra phiếu theo yêu cầu của chủ toạ. Ông cho rằng, so với mọi năm, 8 câu hỏi là con số ít. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Vinaconex chia sẻ, đứng ở phương diện người quản trị thì ông muốn nhận được nhiều câu hỏi hơn trên tinh thần đoàn kết, đóng góp để cổ đông cùng nhau đưa doanh nghiệp trở thành hàng đầu của Việt Nam như kỳ vọng. 

Vinaconex muốn dứt điểm mâu thuẫn nội bộ trong năm 2020 - Ảnh 1

 

Một trong những nội dung được cổ đông quan tâm nhất là vấn đề tăng vốn điều lệ và tái cấu trúc Công ty Liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) - đơn vị phát triển dự án khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) tại Hoài Đức, Hà Nội.

Về việc tái cấu trúc Công ty An Khánh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết hiện VCG và Phú Long mỗi bên nắm giữ 50%. Splendora cũng là dự án gây ra bất đồng giữa 2 nhóm cổ đông trong những năm qua khi 2 bên không tìm được tiếng nói chung trong việc triển khai tiếp theo. 

Ông Thanh cho rằng, việc các cổ đông có những ý kiến tranh luận là hết sức bình thường. Tuy nhiên, theo ông, nếu những tranh cãi đó kéo dài, không tìm được tiếng nói chung thì cũng gây thiệt hại cho các cổ đông.

“Một đống tiền nằm ở đó không thu được gì, trong khi lãi vay ngày một tăng. Một năm mấy trăm tỷ tiền lãi. Tất cả chi phí là các cổ đông của liên doanh đều phải chịu và đương nhiên Vinaconex cũng phải chịu một nửa”, ông Thanh lý giải.

Do đó, ông cho biết, HĐQT trình cổ đông 2 phương án. Một là, Vinaconex đàm phán để chuyển nhượng toàn bộ số vốn tại An Khánh JVC cho Địa ốc Phú Long, hoặc các nhà đầu tư khác có nhu cầu để thu hồi vốn, đầu tư vào dự án khác. Phương án còn lại là Vinaconex chủ động mua lại toàn bộ phần vốn của Địa ốc Phú Long để điều hành và triển khai dự án. 

Vinaconex xin ý kiến cổ đông về việc uỷ quyền cho HĐQT đàm phán mức giá mua hoặc bán, nếu đạt được giá cả hợp lý sẽ đưa ra quyết định.

“Chúng tôi muốn kết thúc việc này trong năm 2020 để Vinaconex lấy tiền lo việc khác”, ông Thanh nói.

Đây là dự án được Vinaconex triển khai từ cuối năm 2006, có quy mô lớn 264,4ha. Tuy nhiên, sau 14 năm, hiện dự án mới thực hiện được 50,7 ha. Tại đại hội cổ đông năm ngoái, ông Thanh từng đề cập đến bán cổ phần tại liên doanh này cho Phú Long, song đến nay giao dịch này vẫn chưa được thực hiện. 

Tại đại hội năm 2019, với tư cách từng nhiều năm giữ chức Tổng giám đốc Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh, ông Nguyễn Quang Trung, chia sẻ tình hình tài chính của công ty đang rất khó khăn với số lỗ lũy kế là 1.700 tỷ, âm vốn chủ sở hữu, các khoản nợ phải trả là 8.000 tỷ. Đơn vị này cũng không thể thanh toán các khoản nợ đến hạn. Hàng năm hai bên góp vốn đều phải đứng ra bảo lãnh, cam kết hỗ trợ vô điều kiện để kiểm toán không công bố tình trạng phá sản. 

Những mâu thuẫn giữa 2 nhóm cổ đông tại Vinaconex xảy ra sau khi Công ty TNHH An Quý Hưng mua 57,7% cổ phần VCG từ SCIC trong phiên đấu giá cuối năm 2018. Công ty Bất động sản Cường Vũ và Công ty Star Invest - là nhóm liên quan đến Công ty Phú Long nắm giữ lần lượt 21,3% và 7,6%.

Vấn đề tăng vốn điều lệ, ông Thanh lý giải nhằm giải quyết bài toán quy mô doanh nghiệp. Theo ông, doanh nghiệp muốn đấu thầu dự án lớn, muốn trở thành hàng đầu thì không thể có quy mô 4.000 tỷ đồng như hiện nay. VCG phải tăng vốn mới có “vé vào cửa” ở những dự án lớn, quy mô. Ở một số dự án lớn, các chủ đầu tư, cơ quan xét hồ sơ thầu loại luôn từ đầu những doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Đơn vị muốn tham gia các gói thầu của cao tốc Bắc - Nam.  

Trước một số câu hỏi cho rằng, việc tăng vốn liệu có đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư hay không? Ông Thanh cho biết, nếu việc tăng vốn mà khiến giá cổ phiếu giảm về dưới 10.000 đồng (hiện là hơn 30.000 đồng) thì ban lãnh đạo chẳng tăng làm gì. Vì thế, ông khẳng định sẽ không có điều đó.

“Tăng vốn không phải để phục vụ cho một người nào mà cho tất cả cổ đông đều có lợi”, ông Thanh nói.

Một cổ đông cũng đặt câu hỏi, hiện quyền lợi của các cổ đông như Cường Vũ, Star Invest tại Vinaconex có được đảm bảo không? Về câu hỏi này, ông Thanh cho biết, mọi quyền lợi của cổ đông sẽ làm theo đúng luật. Theo ông, càng ngày các cổ đông trong công ty càng hiểu nhau hơn và đoàn kết hơn và ngày hôm nay, các cổ đông cũng đến đại hội với tinh thần cởi mở, đoàn kết.

“Còn có những chuyện hôm nay không đồng ý điều này, mai không đồng ý điều kia là bình thường, kể cả các thành viên ở liên hợp quốc cũng vậy. Nhưng chúng ta vẫn đoàn kết nên sản lượng, doanh thu, lợi nhuận vẫn đạt”, ông Thanh nói, đồng thời khẳng định yêu cầu của cổ đông lớn luôn được đảm bảo theo luật định.

Theo Chủ tich HĐQT Vinaconex, các vấn đề này nếu ban lãnh đạo làm chưa đúng, cổ đông có thể chỉ ra cụ thể các điểm chưa được. “Nếu nhẹ nhàng, tôi sẽ nhận trách nhiệm trước cổ đông và lớn hơn là chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Thanh nói.

Các cổ đông cũng chất vấn ông Thanh về vấn đề tại sao dòng tiền của Vinaconex lại âm? Ông Thanh cho rằng với các khoản tài chính, cá nhân ông không tự quyết định, tất cả đều phải thể hiện trên con số trong báo cáo tài chính. Con số đó cũng đã được kiểm toán bởi Deloitte - một công ty kiểm toán trong nhóm Big4.

“Nếu ai thấy có vấn đề gì mà công ty kiểm toán này làm chưa chính xác thì hoàn toàn có thể khiếu nại. Nếu cổ đông thấy HĐQT không minh bạch, có thể chỉ rõ không minh bạch ở điểm nào, chứng từ nào và chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm”, ông Thanh nói.

Ông cũng lý giải, trước đây Vinaconex ít tham gia đầu tư, trong khi đó từ năm ngoái đến năm nay tổng công ty gia tăng hoạt động này. Ngoài ra, năm 2019, tổng công ty thực hiện nhiều dự án nhưng chưa ghi nhận dòng tiền. Hơn nữa, theo ông, hiện nhiều dự án tại Móng Cái, Quảng Ninh… của VCG cũng đang trong giai đoạn đầu tư, sẽ phải chi tiền thiết kế, đánh giá, tư vấn... Bên cạnh đó, nhiều dự án đơn vị này đã thực hiện nhưng chưa ghi nhận dòng tiền. Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc dòng tiền của tổng công ty âm. 

Tin Cùng Chuyên Mục