Ngày pháp luật

Vinaconex: Cổ đông quan tâm điều gì tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 28/6

Bình Minh

Đây lại là một cuộc họp mà cổ đông của Vinaconex đặc biệt quan tâm vì cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên bị muộn 2 tháng này có nhiều nội dung thu hút sự chú ý của cổ đông.

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tổng công ty XNK Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) sẽ được tổ chức vào ngày 28/6/2019. Theo nội dung chương trình, phiên họp thường niên chỉ tập trung vào các báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 và không đề cập đến các vấn đề “nóng” của Vinaconex diễn ra trong thời gian gần đây.

Vinaconex: Cổ đông quan tâm điều gì tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 28/6 - Ảnh 1

 

Đây lại là một cuộc họp mà cổ đông của Vinaconex đặc biệt quan tâm vì cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên bị muộn 2 tháng này có nhiều nội dung thu hút sự chú ý của cổ đông. Đây cũng là cuộc họp thường niên đầu tiên của Vinaconex sau khi “đổi chủ” và có một bộ máy quản trị, điều hành vừa được thay máu, không còn bóng dáng người nhà nước.

Theo ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex chia sẻ với báo chí thì cuộc họp này chỉ tập trung vào vấn đề kết quả kinh doanh và định hướng phát triển công ty trong thời gian tới. Theo dự kiến chương trình họp thì Đại hội đồng cổ đông chủ yếu được trình thông qua các báo cáo thường niên của Tổng giám đốc, Báo cáo của HĐQT và báo cáo của Ban Kiểm soát, thông qua phương án phân phối lợi nhuận sau thuế, phương án thù lao cho thành viên HĐQT, BKS. Chỉ có một nội dung không mang tính “thường niên” là vấn đề sửa đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh của công ty được trình Đại hội đồng cổ đông tại phiên họp này.

Điều này có nghĩa, Đại hội đồng cổ đông Vinaconex sẽ không bàn đến các vấn đề khác không có trong chương trình họp, kể cả các vấn đề đang được cổ đông quan tâm và đang là tâm điểm của cuộc tranh luận kéo dài dẫn đến vụ kiện yêu cầu hủy nghị quyết của phiên họp bất thường Đại hội đồng cổ đông VCG ngày 11/1/2019.

Theo báo cáo của ban điều hành Vinaconex, doanh thu năm 2018 của VCG chỉ bằng 84% của năm 2017; lợi nhuận sau thuế đạt 639 tỷ đồng, khá khiêm tốn so với con số 1.629 tỷ đồng của năm 2017 (đạt hơn 39%). Lý do được cho là do năm 2018, VCG có khoản doanh thu bất thường từ việc thoái vốn tại công ty nước sạch. Kết quả kinh doanh năm 2018 cũng không phải do kết quả điều hành của bộ quản trị và điều hành mới nên đây có lẽ sẽ không phải là vấn đề mà các cổ đông thực sự quan tâm.

Vinaconex với một bộ máy lãnh đạo hoàn toàn mới sẽ làm thay đổi doanh nghiệp xây dựng trong nhóm đầu đàn này như thế nào? Năng lực của bộ máy quản trị, điều hành công ty có giống như những gì mà lãnh đạo công ty này khi nhậm chức tuyên bố hay không chính là mối quan tâm lớn nhất của các cổ đông cũng như giới đầu tư chứng khoán.

Ngoài ra, việc giải quyết các mâu thuẫn đang gây chia rẽ trong công ty là các vấn đề mà các cổ đông của VCG cần được biết và thảo luận tại cuộc họp.

Theo báo cáo của ban điều hành, kế hoạch kinh doanh trong năm 2019 của Vinaconex chủ yếu tập trung vào mảng bất động sản, với việc triển khai các dự án lớn như dự án Cái Giá trên đảo Cát Bà, TP Hải Phòng; dự án chung cư cao cấp tại 93 Láng Hạ hay dự án Spendora (Bắc An Khánh). Với việc triển khai các dự án này, Vinaconex đang đi theo hướng một doanh nghiệp bất động sản.

Về mảng xây lắp, báo cáo của ban điều hành chưa đưa ra một điểm nhấn nào cho thấy đây là mảng được quan tâm thực sự để đưa Vinaconex lọt vào top 3 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam như lời Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh tuyên bố trong cuộc họp ngày 1/4/2019 với các cổ đông và giới truyền thông.

Các giải pháp mà bộ máy điều hành do ông Nguyễn Xuân Đông đứng đầu đưa ra cũng rất mơ hồ và có vẻ không liên quan nhiều đến các nhiệm vụ chính của Vinaconex. Cụ thể, trong báo cáo của ban điều hành đưa ra 4 nhóm giải pháp về tài chính, tái cơ cấu bộ máy, quản lý chi phí và pháp chế - đối ngoại.

Trong đó, việc “tái cơ cấu” về tổ chức là việc thành lập thêm 3 doanh nghiệp mới trong lĩnh vực cơ điện, giáo dục và khu công nghiệp. Thực chất của nhóm giải pháp về cơ cấu lại tổ chức này là mở rộng lĩnh vực kinh doanh chứ không phải là giải pháp cho việc phát triển lĩnh vực xây lắp để lọt vào top 3 và cũng không hỗ trợ cho mảng kinh doanh bất động sản đang được đẩy mạnh.

Trong kế hoạch năm 2019, HĐQT đưa ra kế hoạch thay đổi toàn diện trong quản trị điều hành, từ công ty mẹ đến các đơn vị thành viên thông qua việc thay đổi tư duy, tác phong làm việc; hoàn thiện hệ thống quy chế quản trị nội bộ để đảm bảo giải quyết công việc nhanh gọn, hiệu quả. Đây chính là điểm nhấn lớn nhất trong hoạt động của bộ máy quản trị Vinaconex kể từ khi được nhóm cổ đông An Quý Hưng thay máu lãnh đạo công ty.

Việc thay đổi quy chế quản trị cũng là việc mà HĐQT Vinaconex thực hiện ngay sau khi được bầu, bằng việc ban hành 2 quy chế mới là quy chế hoạt động của HĐQT và quy chế tài chính. Hai quy chế này đều có điểm giống nhau là gia tăng quyền lực cho cá nhân Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc trong việc đưa ra các quyết định đầu tư.

Các quy chế mới do HĐQT Vinaconex mới ban hành chính là điểm gây tranh cãi, bất đồng trong HĐQT và các nhóm cổ đông, gây chia rẽ trong công ty. Song, vấn đề rất quan trọng này có thể không được bàn trong phiên họp tới của Đại hội đồng cổ đông do HĐQT không đưa vào chương trình nghị sự, có thể khiến cho các mâu thuẫn, bất đồng không có cơ hội được thảo luận rộng rãi và tiếp tục kéo dài.

Tin Cùng Chuyên Mục