Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Theo đó, sản phẩm “Café PHINN uống liền” của công ty Vinacafe Biên Hòa bị anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa (ngụ phường Đa Kao, quận 1, TP.Hồ Chí Minh) là chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu “PHINN café - Gu cà phê Việt” tố cáo là chưa được cấp quyền bảo hộ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hàng.
Được biết, ngày 25/3/2013, anh Nghĩa đã nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu nêu trên kèm hình ảnh. Ngày 29/5/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ với nhãn hiệu nêu trên của anh Nghĩa.
Sản phẩm này của Vinacafe Biên Hòa bị tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Phát hiện Vinacafe Biên Hòa xâm phạm sở hữu trí tuệ nhãn hiệu, ngày 21/8/2017, anh Nghĩa đã nộp đơn tới Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) yêu cầu giám định sản phẩm chỉ rõ những vi phạm của Vinacafe Biên Hòa. Tại kết luận giám định kết luận dấu hiệu “Café PHINN” và “hình” gắn trên hộp và gói sản phầm cà phê đen hòa tan của Vinacafe Biên Hòa là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại điều 11, nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ của anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa.
Hai lần bị từ chối cấp bằng bảo hộ
Trước đó, Vinacafe Biên Hòa đã từng 2 lần nộp đơn xin cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tuy nhiên đều bị từ chối. Tra cứu nhãn hiệu tại Cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP) cho thấy, ngày 5/4/2013, Vinacafe Biên Hòa đã nộp đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ bảo hộ cho nhãn “PHINN”. Tuy nhiên, ngày 10/12/2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã thông báo kết quả từ chối.
Đơn xin cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu bị từ chối của Vinacafe Biên Hòa
Tiếp đó, ngày 26/4/2013, Vinacafe Biên Hòa nộp đơn tới Cục Sở hữu trí tuệ xin cấp bằng sở hữu trí tuệ bảo hộ cho một nhãn hiệu khác là: “PHINN - Uống liền cafe” kèm hình ảnh. Tương tự, ngày 10/12/2013, Cục Sở hữu trí tuệ lại ra thông báo từ chối lần nữa.
Đến ngày 20/9/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho cả 2 nhãn hiệu đăng ký “PHINN” và “PHINN - Uống liền cafe” của Vinacafe Biên Hòa.
"Đi tắt đón đầu"?
Theo tìm hiểu của phóng viên, dù đang trong quá trình xin cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu nhưng Vinacafe Biên Hòa vẫn tung sản phẩm với nhãn hiệu “Café PHINN uống liền” bán ra thị trường từ tháng 6/2013. Thời điểm đó, tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn đưa tin: “Vừa giới thiệu ra thị trường, Café Phinn của Vinacafé Biên Hòa đã được quảng cáo dồn dập quảng trên hơn 70 kênh truyền hình trong nước cũng như được đưa ngay vào các hệ thống phân phối và kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống”, nếu đúng như thông tin quảng cáo rầm rộ trên thì Vina café Biên Hòa cho thấy tham vọng của mình muốn đưa sản phẩm nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường dù nhãn hiệu chưa được cấp phép bảo hộ.
Hiện nay, sau 4 năm tung sản phẩm ra thị trường, và gần đây, khi có khuyến cáo xâm phạm quyền sở hữu với nhãn hiệu của anh Nghĩa gửi, Vinacafe Biên Hòa vẫn không có dấu hiệu ngừng kinh doanh sản phẩm bị chỉ đích danh vi phạm.
Dù đã được khuyến cáo nhưng Vinacafe Biên Hòa vẫn làm ngơ?
Theo khảo sát, hiện nay, sản phẩm “Café PHINN uống liền” của Vinacafe Biên Hòa vẫn được bày bán ở nhiều siêu thị và cửa hàng bán lẻ, ngoài ra, sản phẩm này còn được phân phối trên một số trang thương mại điện tử uy tín trên mạng internet.
Được biết, trước đó, năm 2013, Vinacafe Biên Hòa từng bị Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Khoa học sở hữu trí tuệ “vạch mặt” khi tung 1 đoạn clip quảng cáo về "8 vùng cà phê đặc sản ngon nhất" không đúng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, lừa dối khách hàng để nhằm khẳng định cà phê của mình mới là thật và ngon nhất.
Nhãn hiệu Phinn cafe của Vinacafe Biên Hòa (trái) và nhãn hiệu đã được đăng ký sở hữu trí tuệ của anh Nghĩa (phải)
Bài sau: Viện Khoa học sở hữu trí tuệ chỉ rõ những sai phạm của Vinacafe Biên Hòa