Theo báo cáo mới đây của CTCK Bản Việt (VCSC), sau cuộc họp với nhà đầu tư của Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post, mã CK: VTP) ngày 7/4 vừa qua, nhiều thông tin quan trọng được đưa ra.
Lợi nhuận liên tục có chiều xướng đi xuống
Cụ thể, lãnh đạo Viettel Post cho biết, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khả quan trong quý 1/2023, hoàn thành hơn 20% kế hoạch cả năm. Công ty cũng cho biết KQKD thường sẽ tăng trưởng mạnh hơn vào nửa cuối năm.
Năm 2022, Viettel Post báo doanh thu hợp nhất đạt 21.629 tỷ đồng - dù chỉ tăng nhẹ so với năm 2021, nhưng cũng đã ghi nhận 12 năm tăng trưởng liên tục từ năm 2010 đến nay. Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế giảm 13%.
Riêng báo cáo tài chính quý 4/2022, Viettel Post ghi nhận doanh thu thuần 5.252 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 2,1%, tương đương cùng kỳ.
Trong quý, các loại chi phí, giá vốn hàng bán hay doanh thu hoạt động tài chính của Viettel Post không biến động mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Song, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng đột biến 66% lên 115 tỷ đồng.
Các khoản chi phí này đã bào mòn khoản lợi nhuận gộp mỏng manh của Viettel Post và khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp âm 173 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 59 tỷ đồng.
Nhờ khoản lợi nhuận khác nên doanh nghiệp vẫn báo lãi ròng quý IV/2022 hơn 1 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý có lợi nhuận thấp nhất của Viettel Post kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Viettel Post đạt 21.637 tỷ đồng, chỉ tăng 0,8% so với thực hiện năm 2021. Doanh nghiệp lãi sau thuế gần 258 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2021.
Lý giải về nguyên nhân biến động lợi nhuận sau thuế, Viettel Post cho biết là do tăng chi phí để đảm bảo tăng chất lượng dịch vụ và chi phí nhân công.
Tính đến hết năm ngoái, tổng tài sản của Viettel Post đạt 5.808 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản của doanh nghiệp chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (1.218 tỷ đồng), phải thu ngắn hạn khác (1.095 tỷ đồng) và đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (1.856 tỷ đồng).
Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp đạt 4.416 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 1.391 tỷ đồng.
Dư địa thị trường chuyển phát còn khá lớn, VTP không áp dụng chiến lược giảm giá gay gắt để cạnh tranh
Cũng theo báo cáo của VCSC, VTP tin rằng thị trường chuyển phát là khá lớn và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Công ty đặt mục tiêu tham vọng với thị phần chuyển phát tăng từ mức hiện tại là 18% lên 35% trong năm 2025. Trong quý 1/2023, VTP ghi nhận 14 triệu đơn hàng/tháng và đặt mục tiêu ghi nhận 20 triệu đơn hàng/tháng vào quý 2/2023.
Tuy nhiên, thị trường chuyển phát đang chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt cả về giá dịch vụ và tuyển dụng lao động. VTP nhận định cuộc chiến giá cả sẽ còn tiếp diễn. Công ty cho biết giá dịch vụ trung bình của ngành chuyển phát đã giảm trung bình mỗi năm 13% trong giai đoạn 2019 – 2022. Cạnh tranh gay gắt hơn khi có những doanh nghiệp mới tham gia và một số sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada và Tiki) đang phát triển đội ngũ giao hàng của riêng họ.
VTP cho biết sẽ không áp dụng chiến lược giảm giá gay gắt như các công ty cùng ngành. Chiến lược của VTP là nâng cao chất lượng và tối ưu hóa chi phí hoạt động. Ngoài ra, VTP sẽ đề xuất Chính phủ điều tra và thực hiện áp dụng giá sàn đối với dịch vụ chuyển phát.
Mặt khác, trong năm 2022, VTP phải tăng lương cho lao động để giữ lại nguồn lực khi các công ty cùng ngành khác đưa ra mức đãi ngộ hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, VTP kỳ vọng việc cải thiện năng suất sẽ bù đắp cho chi phí lao động tăng trong thời gian tới.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, động thái để “không cạnh tranh về giá” được thực hiện như sau: Viettel Post sẽ tái cơ cấu phân bổ trung tâm phân loại để nâng cao chất lượng, tối ưu hóa chi phí và đa dạng hóa rủi ro.
Cụ thể, VTP đang trong quá trình phi tập trung hóa mạng lưới phân loại từ 2 trung tâm chính - tại TP. HCM và Hà Nội - xuống cấp tỉnh. VTP sẽ thuê kho (khoảng 1.000 - 1.200 m2) tại mỗi tỉnh. Chiến lược của công ty là nâng cao chất lượng chuyển phát và đa dạng hóa rủi ro để tránh việc gián đoạn logistic như trong giai đoạn COVID-19.
Ngoài ra, VTP cũng kỳ vọng có thể tận dụng chi phí lao động địa phương tương đối thấp trong dài hạn. Thời gian giao hàng trung bình của VTP đã được cải thiện từ 62 giờ còn 43 giờ vào năm 2022, đặc biệt đối với các khu vực nội thành, VTP có thể cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày.
VTP cũng có kế hoạch phân bổ lại mạng lưới bưu cục để tối ưu hóa chi phí. VTP đặt mục tiêu giảm số lượng bưu cục hoạt động không hiệu quả và khuyến khích khách hàng sử dụng ứng dụng di động của VTP. Công ty sẽ tập trung phát triển mạng lưới điểm nhận và trả hàng gần các khu vực trung tâm (CBD) tại TP.HCM như chung cư, khu dân cư đông đúc. Ngoài ra, VTP còn được thừa hưởng hạ tầng từ mảng viễn thông của Tập đoàn Viettel tại nhiều tỉnh thành.
Ban lãnh đạo đặt kế hoạch về vốn xây dựng cơ bản (XDCB)/doanh thu chuyển phát không quá 15%. Vốn XDCB trong năm 2023 chủ yếu dùng để tài trợ cho trung tâm phân loại ở Đà Nẵng, 200 xe tải và các máy móc, thiết bị khác cho các trung tâm phân loại nhỏ hơn ở các tỉnh. Trong giai đoạn 2023 - 2025, về giá trị tuyệt đối, VTP dự kiến tổng vốn XDCB đạt 1,5 nghìn tỷ đồng.
Cổ phiếu VTP đã tăng liên tục 12 phiên, ghi nhận mức tăng 14% sau 2 tuần và chốt phiên giao dịch 7/4 tại giá 30.200 đồng.