Ngày pháp luật

"Viettel lỗ lũy kế hơn 5.500 tỷ đồng là điều hiển nhiên"

Theo Thuỷ Diệu/VnEconomy

"Thị trường nào đầu tư mới thì phải có lỗ lũy kế, chuyện đó là bình thường, hiển nhiên"...

"Viettel lỗ lũy kế hơn 5.500 tỷ đồng là điều hiển nhiên" - Ảnh 1

 

Là trả lời của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) khi đề cập đến khoản lỗ lũy kế trong một báo cáo mà Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội.

Đó là khoản lỗ lũy kế lên tới 5.589 tỷ đồng của tập đoàn này, được đề cập trong báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2017 – là con số mang màu sắc hoàn toàn trái ngược so với khoản lợi nhuận ba bốn mươi nghìn tỷ đồng hàng năm mà Viettel công bố.

Tuy nhiên, giải thích cho khoản lỗ trên với VnEconomy sáng 23/10, vị lãnh đạo của Tập đoàn Viettel cho biết, khoản lỗ lũy kế trên đến từ một số thị trường nước ngoài tại châu Phi và thị trường Myanmar mà Viettel mới đưa vào khai thác.

Thông thường và cũng là quan điểm của Viettel, theo ông, ở mỗi thị trường sau 3 năm tính từ thời điểm khai trương thì mới có lãi. Tất nhiên, lãi này là tính cho năm đó, còn những năm trước đó thì vẫn lỗ, và phải vài năm sau đó thì mới bù được hết số lỗ lũy kế của các năm trước đó khi bắt đầu kinh doanh, và sau đó mới hoàn vốn. Nguyên tắc đầu tư là như vậy.

"Ví dụ như thị trường Tanzania hay Myanmar – đều là những thị trường rất lớn mà Viettel mới đưa vào khai thác và vẫn đang trong giai đoạn lỗ 3 năm. Tóm lại, thị trường nào đầu tư mới thì phải có lỗ lũy kế, chuyện đó là bình thường, hiển nhiên", vị này nói và cho rằng, khoản lỗ lũy kế, nếu tính chính xác thì phải xác định tuổi lỗ bao nhiêu, của đơn vị/công ty nào, chứ không thể gộp chung vào được.

Về thông tin một số tập đoàn, tổng công ty có số nợ vay lớn từ các ngân hàng được đưa ra trong báo cáo trên, trong đó khoản nợ của Viettel là gần 43.500 tỷ đồng, vị lãnh đạo của Viettel cho rằng, đây, thực tế chỉ là bài toán kinh doanh tài chính, bởi Viettel còn đang đi gửi ngân hàng hơn 70 nghìn tỷ đồng.

Gửi được lãi suất cao hơn, vay lãi suất ít hơn, lợi hơn, ai chả muốn, nên theo ông, việc đi vay cũng chẳng có vấn đề gì, và đi vay không quan trọng mà quan trọng là tiền túi có sẵn sàng để trả nợ hay không, còn đi vay không có tiền để trả, không phải là bài toán tài chính thì mới đáng lo.

Cũng một con số nữa liên quan đến Viettel được đưa ra tại báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2017 - là khoản nợ phải thu khó đòi lên tới 1.406 tỷ đồng.

Con số này cũng được lãnh đạo Viettel giải thích. Theo ông đây cũng không hẳn là nợ khó đòi vì đây là khoản cho vay của công ty mẹ - Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) cho các công ty con ở các thị trường nước ngoài.

Theo ông, đi đầu tư hay cho doanh nghiệp ngoài ngành vay khi có vấn đề thì mới khó đòi chứ đây đều là các công ty thị trường (của Viettel). Có thể việc thu hồi lại chưa như kỳ vọng nhưng hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của tập đoàn.

Vị lãnh đạo tập đoàn Viettel cũng cho rằng, đi đầu tư quan trọng là tổng nguồn thu của mình. Sẽ có thị trường có lãi, có thị trường chưa lãi nhưng tổng cộng lại vẫn lãi. Khi đó những thị trường còn lỗ thì phải lấy tiền ở thị trường có lãi như Lào hay Campuchia… cho vay, điều đó cũng rất bình thường và hiển nhiên. Điều quan trọng là đều là các công ty con của mình vẫn trong tầm kiềm soát và không lo ngại nợ xấu.

"Tất nhiên, đi đầu tư 10 thị trường thì chẳng ai dám khẳng định là sẽ thắng cả 10 thị trường đâu", vị này nêu quan điểm.

Tin Cùng Chuyên Mục