Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã CK: HVN) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên vào sáng 14/7.
Ban điều hành Vietnam Airlines đánh giá năm 2021 ảnh hưởng của đại dịch còn nghiêm trọng và kéo dài hơn năm ngoái.
Hiện nay Vietnam Airlines chỉ khai thác khoảng 40 chuyến bay mỗi ngày. Tình hình dịch bệnh hiện nay đang rất phức tạp. Với ngành hàng không, Tết Nguyên Đán và mùa hè là hai mùa cao điểm nhưng năm nay đều gặp phải làn sóng dịch bệnh.
Doanh nghiệp đang xây dựng kế hoạch cắt giảm cũng như tối ưu hóa chi phí, tăng thu và tận thu để giảm lỗ và ứng phó với dịch bệnh. Bệnh cạnh đó, việc tái cơ cấu của Vietnam Airlines cũng đóng vai trò quan trọng.
Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines đánh giá còn nhiều dư địa để cắt giảm chi phí. Các giảm pháp cắt giảm tự thân có thể tiết kiệm tới 6.800 tỷ đồng.
Tổng công ty cũng tiếp tục kiến nghị với Nhà nước về chính sách hỗ trợ chi phí hạ cất cánh, điều hành bay, thuế bảo vệ môi trường, khấu hao tài sản và phân bổ chi phí phù hợp. Hai nhóm này đưa vào mục tiêu cắt giảm năm nay để giảm chi phí trên 10.000 - 10.800 tỷ đồng.
Trong năm ngoái, Vietnam Airlines cắt giảm 5.474 tỷ đồng, trong đó cắt giảm chi phí nhân công là 1.775 tỷ đồng.
Từ cuối tháng 3/2020, mạng bay quốc tế đi/đến Việt Nam gần như dừng hoạt động, chỉ còn đối tượng khách chuyên gia hoặc công dân hồi hương. Hãng hàng không gặp nhiều khó khăn khi sản lượng khách quốc tế giảm, thi trường nội địa cũng giảm do chịu tác động của các đợt giãn cách xã hội. Năm 2021, thị trường hàng không chịu những tác động tương tự.
Trong 6 tháng đầu năm, công ty mẹ ước lỗ khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất 10.788 tỷ đồng, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2021 là 37.364 tỷ đồng, lỗ sau thuế 14.526 tỷ đồng, nộp ngân sách hợp nhất 3.972 tỷ đồng. Kế hoạch năm nay tiếp tục được xây dựng trên giả định Chính phủ cho phép áp dụng tiếp các chính sách về khấu hao tài sản và phân bổ chi phí theo đề xuất cùng với các kế hoạch cắt giảm chi phí ở trên.
HĐQT Vietnam Airlines xin ý kiến phát hành 800 triệu cổ phiếu HVN với giá chào bán 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu, tương ứng với tỷ lệ 56,4%. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines theo phương thức chuyển giao quyền mua.
Số tiền thu được sẽ được Vietnam Airlines dùng bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong ngắn hạn.
Về phương án thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa, Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà cho biết doanh nghiệp đã nghiên cứu 4-5 năm nay về vận tải hàng hóa riêng biệt. Tuy nhiên, việc tổ chức vận tải hàng hóa cần quy mô đủ lớn để khai thác nguồn hàng từ các nước đến Việt Nam và ngược lại.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay, việc tổ chức vận tải hàng hóa chưa đem lại hiệu quả trong giai đoạn trước dịch, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh thì hoạt động này đóng vai trò quan trọng để tập dượt và xây dựng đề án hãng hãng không vận chuyển hàng hóa sau dịch bệnh.