Ngày pháp luật

Vietnam Airlines muốn chủ động về lương phi công

Theo Phát Đạt/VnExpress

Tổng giám đốc Dương Trí Thành khẳng định Vietnam Airlines đang bị chảy máu chất xám và muốn tự quyết chính sách lương để giữ nhân tài.

Lãnh đạo của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) gửi nhiều kiến nghị đến chương trình Thủ tướng gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019, do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức, vừa diễn ra ở TP HCM.

Theo ông Dương Trí Thành, Vietnam Airlines thiếu hụt lao động kỹ thuật cao, khi có các nhân tố mới gia nhập thị trường vận tải hàng không. Chính sách lương thưởng là vấn đề chủ chốt để các hãng thu hút người giỏi, trong bối cảnh thị trường hàng không Việt khan hiếm phi công.

Vietnam Airlines muốn chủ động về lương phi công - Ảnh 1

Tổng giám đốc Dương Trí Thành muốn chủ động về lương để giữ người tài.

Ông kiến nghị cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp cần được triển khai quyết liệt theo tinh thần Nghị quyết trung ương 27 để mở nút thắt, giúp doanh nghiệp chủ động hoàn toàn về chính sách để thu hút các nguồn lực xã hội cho đào tạo, giữ nguồn lực chất lượng cao. Chính phủ cần ban hành các quy định về kế hoạch sản xuất kinh doanh, mở rộng đội tàu bay của các hãng hàng không phù hợp, đồng bộ với quy hoạch, tốc độ phát triển hạ tầng, kỹ thuật của đất nước. Các hãng hàng không, doanh nghiệp phải xây dựng, phát triển đồng bộ giải pháp về hệ thống, quy trình, lập kế hoạch đào tạo, phát triển đủ nguồn nhân lực kỹ thuật cao để chuẩn bị cho vận hành, khai thác khi mở rộng sản xuất kinh doanh; chú trọng hơn trong việc đào tạo, phát triển nguồn lực kỹ thuật cao.

Liên quan đến Bộ Luật lao động, Vietnam Airlines kiến nghị cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự phát triển bền vững nguồn lực chung của đất nước nhưng cũng phù hợp với đặc thù quản lý, yêu cầu phát triển của lực lượng lao động kỹ thuật cao, lao động chuyên ngành. Chẳng hạn, quy định về thời hạn báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, nghĩa vụ đầu tư cho đào tạo của người sử dụng lao động, nghĩa vụ bồi hoàn chi phí đào tạo trước khi chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp khác...

Vietnam Airlines muốn chủ động về lương phi công - Ảnh 2

Chính sách lương thưởng là yếu tố quan trọng để các hãng thu hút người giỏi, trong bối cảnh thị trường hàng không Việt khan hiếm phi công.

Vietnam Airlines hiện khai thác, vận hành trên 115 máy bay, tổng số nhân viên trên 20.000 người. Trong đó, có 1.200 phi công, kỹ sư máy bay khoảng 2.500 người, tiếp viên hàng không 3.000 người. Riêng lực lượng phi công, số lượng phi công Việt Nam đang chiếm khoảng 75%, gấp gần 4 lần so với năm 2014 và mỗi năm phát triển thêm 80-100 phi công cho khai thác.

Năm 2018, phi công Vietnam Airlines nhận lương tháng bình quân 132,5 triệu đồng, tăng gần 11 triệu so với năm trước đó. Tiếp viên hàng không nhận lương trung bình 28,9 triệu đồng, tăng 1,7 triệu đồng so với năm 2017. Còn cán bộ, nhân viên (trừ HĐQT và ban giám đốc) nhận bình quân 28,8 triệu mỗi tháng, tăng 4,7 triệu đồng năm trước.

Theo ông Dương Trí Thành, nguồn nhân lực Vietnam Airlines phát triển không ngừng, tiếp nhận, làm chủ và thay thế toàn bộ thế hệ máy bay Liên Xô bằng thế hệ tàu bay của Tây Âu từ những năm 1993. Đây là một trong những hãng hàng không vận hành, khai thác cùng lúc 2 dòng máy bay hiện đại của thế giới là Airbus A350 và Boeing 787, với nòng cốt là người Việt Nam. Hãng chủ động trong việc tự đào tạo, huấn luyện cho lực lượng phi công của mình.

Để làm được điều này, ngay từ đầu, hãng tập trung xây dựng cơ sơ đào tạo, bên cạnh trung tâm huấn luyện bay ở TP HCM còn lập thêm Công ty CP Bay Việt để huấn luyện phi công. Số lượng lao động kỹ thuật có chứng chỉ là 1.370 người, đáp ứng công tác bảo dưỡng tàu bay, được các tổ chức EASA (châu Âu) và FAA (Mỹ) công nhận. Đội ngũ kỹ sư không chỉ bảo dưỡng đội bay của hãng mà còn nhận đơn hàng bảo dưỡng máy bay từ các hãng khác trong nước, khu vực.

Vietnam Airlines muốn chủ động về lương phi công - Ảnh 3

Tổ hợp buồng lái mô phỏng máy bay phục vụ đào tạo phi công của Vietnam Airlines.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải Nguyễn Văn Thể thống nhất ý kiến kiến nghị của VietnamAirlines và cho rằng đối với lao động kỹ thuật cao, đặc thù như phi công, cần có những quy định trong Bộ Luật lao động, các Nghị định của Chính phủ để đảm bảo nguồn nhân lực.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân. Chương trình là diễn đàn để người đứng đầu Chính phủ gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, hiến kế cũng như thấy được sự đóng góp của đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao với sự phát triển của doanh nghiệp, địa phương, ngành và đất nước. Đây cũng là dịp để đoàn viên, công nhân lao động đón nhận thông điệp của Chính phủ gửi tới người lao động cả nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tin Cùng Chuyên Mục