Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã CK: HVN) mới đây công bố đã hoàn thành việc chuyển nhượng 35% cổ phần của Tổng công ty tại Hãng hàng không Cambodia Angkor Air(K6) cho bên nhận chuyển nhượng theo thoả thuận giữa 2 bên trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Sau khi chuyển nhượng, K6 không còn là công ty liên kết của Tổng công ty.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2021, ngày 3/1 và 29/3 năm nay, HVN đã nhận các khoản tiền lần lượt là 30 triệu USD và 4 triệu USD từ nhà đầu tư mua lại phần vốn góp của Tổng công ty tại K6. Trước đó, Vietnam Airlines cũng đã nhận đặt cọc 1 triệu USD vào năm 2019. Số tiền 35 triệu USD trên tương ứng với 35% cổ phần K6.
Mặc dù sang năm 2022 mới nhận được tiền nhưng do đã chuyển giao quyền sở hữu cổ phần từ năm 2021 nên trên báo cáo của HVN đã không còn ghi nhận K6 là công ty liên kết và doanh thu từ hoạt động tài chính có đóng góp hơn 647,7 tỷ đồng từ lãi chuyển nhượng vốn góp.
Khoản thu nhập trên đã giúp HVN giảm mức lỗ trong năm 2021 và vốn chủ sở hữu vẫn lớn hơn 0, thoát án huỷ niêm yết.
Cambodia Angkor Air được thành lập vào năm 2009 dưới sự hợp tác của Vietnam Airlines và Chính phủ Hoàng gia Campuchia. Theo hợp đồng liên doanh, Vietnam Airlines góp 49% vốn trong Cambodia Angkor Air với giá gốc là 868,5 tỷ đồng.
Theo thoả thuận, Vietnam Airlines sẽ hợp tác và hỗ trợ tối đa cho hãng hàng không Quốc gia Campuchia trong quá trình triển khai hoạt động mở rộng và phát triển, cũng như thực hiện các công việc bảo dưỡng, sửa chữa, hợp tác thương mại với nhiều ưu đãi đặc biệt.
Đến cuối năm, sau khi thoái 35% cổ phần, 14% cổ phần K6 còn lại được HVN chuyển sang mục đầu tư góp vốn vào đơn vị khác với giá gốc 248 tỷ đồng.
Năm 2021, cũng như các hãng hàng không trong khu vực và thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh của K6 tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Để giảm thiểu thiệt hại, K6 đã thực hiện các giải pháp tái cơ cấu, giảm quy mô hoạt động, chỉ duy trì khai thác một số đường bay chính với tần suất tối thiểu, triệt để cắt giảm chi phí, đàm phán giãn hoãn thanh toán. Đồng thời, tận dụng mọi cơ hội để tăng cường khai thác chuyến bay thuê chuyến, chuyến bay chở hàng giúp bổ sung dòng tiền duy trì hoạt động. Tuy nhiên, năm 2021 K6 lỗ 17,7 triệu USD, mức lỗ tăng 37,2% so với năm 2020.
Vietnam Airlines muốn thoái vốn khỏi K6 từ năm 2020 sau khi dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Sau thương vụ này, K6 không còn là công ty liên kết của Vietnam Airlines.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn và chuẩn bị nguồn lực phục hồi cho giai đoạn hậu Covid, bên cạnh thoái vốn, tái cơ cấu danh mục đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết, Vietnam Airlines cũng đang đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu tài sản (bán/bán và thuê lại tàu bay cũ) để bổ sung dòng tiền, tăng cường đảm bảo thanh khoản, duy trì hoạt động trong năm 2022.
Trước đó, trong báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022, HVN vừa giải trình về khoản lỗ lớn. Theo đó, quý vừa qua, báo cáo tài chính hợp nhất ghi nhận lỗ 2.700 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo lý giải của Vietnam Airlines, khoản lỗ giảm là nhờ tổng doanh thu và thu nhập khác quý 1/2022 của công ty mẹ tăng 65,7% so với quý 1/2021 chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 67%, tương đương tăng 3.296 tỷ đồng, doanh thu vận chuyển nội địa tăng 96,5%, vận chuyển quốc tế tăng 71,1%, doanh thu thuê chuyến giảm 21,1% thu nhập khác tăng mạnh chủ yếu từ hoạt động thanh lý tàu bay, bán và thuê lại động cơ tàu bay.
Chi phí Quý I/2022 của công ty mẹ tăng 23,9% tương đương tăng 2.093 tỷ đồng chủ yếu do giá nhiên liệu tăng cao. Tốc độ tăng doanh thu và thu nhập khác cao hơn so với tốc độ tăng chi phí dẫn đến công ty mẹ giảm lỗ được 1.239 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lỗ hợp nhất giảm chủ yếu nhờ lỗ công ty mẹ giảm và một số công ty con bắt đầu có lãi như Skypec, Vaeco, Viags...
Báo cáo tài chính cho thấy, áp lực thanh khoản ngắn hạn vẫn tiếp tục đeo bám Vietnam Airlines. Cuối quý 1, hãng hàng không quốc gia sở hữu 12.800 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó gần 4.700 tỷ là tiền mặt và khoản đầu tư ngắn hạn. Nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines lên tới 45.700 tỷ đồng, tức gấp hơn 3 lần tài sản ngắn hạn.
Đáng chú ý hơn, vốn chủ sở hữu của hãng hàng không quốc gia cũng chuyển sang âm sau 9 quý thua lỗ liên tiếp. Cuối tháng 3/2022, vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng và lỗ lũy kế đã lên tới gần 24.600 tỷ đồng.
Nếu tình trạng âm vốn chủ sở hữu vẫn kéo dài tới cuối năm, hãng hàng không quốc gia sẽ có nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc. Trước đó, Vietnam Airlines vừa thoát cảnh âm vốn chủ sở hữu nhờ được bơm gần 8.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu.