Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (mã chứng khoán: VJC) cho biết, doanh thu thuần ba tháng đầu năm đạt 13.637 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước nhờ sản lượng vận chuyển hành khách và hoạt động phụ trợ được cải thiện. Các mảng đóng góp doanh thu không xáo trộn về thứ bậc nhưng lại biến động mạnh về tỷ trọng.
Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC), một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là do Vietjet không hạch toán nghiệp vụ bán và thuê lại máy bay (sale and leaseback) như cùng kỳ. Thay vào đó, công ty lần đầu tiên ghi nhận doanh thu nhượng quyền thương mại hơn 3.565 tỷ đồng. Trên báo cáo tài chính, các nghiệp vụ này được liệt kê vào mục doanh thu từ chuyển giao sở hữu, quyền sở hữu và thuê tàu bay.
HSC cho biết, Vietjet nhận được chiết khấu 40-60% giá niêm yết nhờ đặt mua số lượng lớn từ 50 đến 100 máy bay cho cho mỗi đơn hàng. Ví dụ như theo bảng giá năm ngoái, mỗi chiếc Airbus A321neo được niêm yết vào khoảng 129,5 triệu USD thì chi phí Vietjet ghi nhận chỉ 42-45 triệu USD, tương đương chiết khấu đến 65%.
|
Ước tính lợi nhuận từ bán quyền mua máy bay khoảng 5 triệu USD mỗi chiếc. |
"Nhờ lợi thế này mà Vietjet có thể bán quyền mua cho các đối tác chuyên cho thuê máy bay với giá cao hơn. Ước tính doanh thu của nghiệp vụ này trong quý đầu năm đến từ việc giao dịch quyền mua 8 máy bay", HSC viết trong báo cáo cập nhật mới đây và cho rằng nguồn thu này sẽ được Vietjet hạch toán thường xuyên trong tương lai.
HSC ước tính lợi nhuận từ việc bán quyền mua máy bay khoảng 5 triệu USD mỗi chiếc, nhờ đó lợi nhuận gộp từ hoạt động này thể hiện trên báo cáo tài chính của Vietjet xấp xỉ 924 tỷ đồng.
Kết thúc quý đầu năm, Vietjet đạt hơn 1.460 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và hoàn thành hơn 26% kế hoạch cả năm. Tổng nguồn vốn tính đến ngày 31/3 đạt hơn 41.387 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt hơn 15.500 tỷ đồng, trong đó có đến 9.700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.