Báo cáo viết: “Trí tuệ nhân tạo có thể giúp nâng nền kinh tế các nước Đông Nam Á lên tầm cao hơn, nhưng chỉ khi khi Asean cố gắng lấp dần khoảng cách trong đầu tư vào ngành công nghệ AI khiến các nước tụt hậu sau Mỹ và Trung Quốc 2-3 năm trong việc ứng dụng AI”.
Đầu tư cho các giải pháp AI ở Mỹ đạt 155 USD mỗi đầu người, trong khi con số trung bình ở Asean là 2 đô la trong giai đoạn 2015-2019. Trong khi đó, Trung Quốc có số dân khổng lồ nhưng vẫn đạt mức 21 USD trong năm 2019 – nhà nghiên cứu Basil Lui, đối tác phụ trách về đầu tư của EDBI, ghi nhận.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 110 người sử dụng, nhà cung cấp giải pháp và nhà đầu tư. Đồng thời, họ cũng phỏng vấn đại diện của hơn 25 công ty và cơ quan chính phủ trong khu vực. Họ cũng khảo sát các ứng dụng như học máy, tự động hóa, robot thông minh, máy chat tự động (chatbot), kỹ thuật thực tế ảo, nhận diện giọng nói và hình ảnh.
1 xu và 68 đô
Singapore nổi bật trong khối Đông Nam Á với mức đầu tư 68 đô la mỗi đầu người vào năm ngoái. Nhưng Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines bị bỏ xa với mức chi dưới 1 đô la. Trong các nền kinh tế có tầm vóc ở khu vực, Việt Nam và Philippines đang bị bỏ rơi khá xa phía sau: Việt Nam chỉ chi 3 xu, Mỹ và Philippines thì dưới 1 xu.
Về chừng mực nào đó, điều này cũng rất tự nhiên, “các nước làm việc kết nối nhiều hơn và có tỉ lệ ứng dụng công nghệ số cao hơn sẽ độ ứng dụng AI cao hơn. Nếu so sánh, chẳng hạn như Singapore với Indonesia hoặc Campuchia, nơi có kinh tế nông nghiệp có vai trò lớn hơn so với mảng dịch vụ, thì chắc chắn Singapore sẽ vượt qua về mặt ứng dụng AI” – theo lời giải thích của Soon Ghee Chua, một đối tác của hãng Kearney.
Dựa trên ước đoán của Kearney, AI có thể mang thêm 110 tỷ USD cho kinh tế Singapore, tức 18% của GDP được dự báo trong năm 2030.
Malaysia sẽ có thêm 115 tỷ USD, tức 14% GDP. Thái Lan có 117 tỷ USD, 13% GDP. Indonesia sẽ có thêm 336 tỷ USD, Việt Nam có thêm 109 tỉ đô và Phillippines có thêm 92 tỷ USD – với tỉ lệ 12% GDP cho cả ba nước này. Như vậy, ngoại trừ Indonesia có mức tăng thêm GDP khá lớn và hơn ba lần các nước khác do quy mô dân số, các nền kinh tế chính của Asean tăng thêm GPD trên dưới 100 tỷ USD.
Xây dựng nền tảng pháp lý vững ngay từ đầu
Nhưng Nikolai Dobberstein, nhà tư vấn khác của Kearney, chỉ ra những điểm nghẽn hay thách thức trong việc ứng dụng AI ở Asean: quy định bảo vệ sự riêng tư, tính minh bạch và các giới hạn về chia sẻ dữ liệu.
“Theo ý tôi, tất cả đều rất quan trọng đối với các doanh nghiệp và các nước khi soạn thảo quy định trong giai đoạn đầu. Tôi cho rằng các cơ quan quản lý cần có cái nhìn về tương lai đầy cởi mở, và thật sự lượng giá đúng giữa nguy và cơ. Vì thế, có được sự thống nhất quy định hay luật lệ các nước Asean là quan trọng”, Dobberstein nhận định.
Dựa trên khảo sát, 83% khu vực đang trong giai đoạn đầu của ứng dụng AI – được định nghĩa là không có hứng thú đầu tư vào công nghệ này, hay đang trong quá trình phát triển chiến lược AI hoặc thử nghiệm các sáng kiến trong lĩnh vực rất mới này.
Nhưng, Kearney cũng nhận ra nhiều điểm sáng của một vài nước đang dẫn trước về ứng dụng AI. Tại Indonesia, nền tảng thương mại trực tuyến Tokopedia, do tập đoàn SoftBank và Alibaba đầu tư, đã sử dụng AI để nghiên cứu về thay đổi hành vi của người dùng. Hãng tư vấn của Mỹ ghi nhận rằng sau khi ứng dụng AI, Tokopdia đạt mức tăng trưởng giao dịch 202%, số giao dịch mua sắm của mỗi khách tăng 27% và doanh số tăng 179% từng tháng.
Ở Thái Lan, hãng tư vấn nhận thấy dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến Doctor Raksa sử dụng AI để hỗ trợ các bác sĩ trong việc tiền chẩn đoán. “Với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cùng với ứng dụng công nghệ số nhanh chóng, AI đã thu lợi nhiều về tài chính trong khi tạo ra những xáo động, buộc doanh nghiệp và các ngành công nghệ phải chuyển đổi. Điều này kích thích tăng trưởng kinh tế trong đột phá mới về công nghệ”, CEO EDBI Chu Swee Yeok phát biểu.
AI không phải “thuốc trị bách bệnh”
Kearney nói sản xuất, bán lẻ, ngành khách sạn và dịch vụ, cũng như chăm sóc sức khỏe, là những khu vực hưởng lợi nhiều nhất về mức tăng ứng dụng AI ở Đông Nam Á.
Quan trọng đối với các nước là ứng dụng AI để giải quyết các nhu cầu riêng của mình. Naveen Menon, Chủ tịch khu vực Asean thuộc tập đoàn công nghệ Cisco Systems của Mỹ, cho rằng: “Mỗi nước tùy theo năng lực của mình mà phát triển thuật toán và mô hình AI riêng, không nên nhập các mô hình AI toàn cầu và sử dụng trong nước”.
Nhà tư vấn Dobberstein từ Kearney cũng đồng quan điểm này. Ông nói rằng AI không nên phổ biến đại trà “theo kiểu bán sỉ”: một mô hình cho tất cả các doanh nghiệp. Ông nói “cốt lõi là tập trung giải quyết các vấn đề chuyên biệt”. “Cái chúng ta chứng kiến hiện nay là AI đang được áp dụng như là thuốc trị bách bệnh bởi vì thị trường mênh mông quá.
Nhưng AI không phải là phương thuốc nào cả, càng không phải là thuốc trị bách bệnh. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần một con dao thật sắc cho từng trường hợp và từng ảnh hưởng mà chúng ta mong muốn tạo ra”, ông nói.
Link bài gốc