Ngày pháp luật

Việt Nam sắp trở thành trung tâm công nghệ tài chính ở Đông Nam Á?

Theo TTXVN

Việt Nam - nền kinh tế được xem là phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, mở ra triển vọng trở thành trung tâm trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) tại khu vực.

Theo bài viết trên trang mạng theaseanpost.com, trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và ổn định. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng đạt 6,8% - cao hơn 0,1% mục tiêu ban đầu của chính phủ. Nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu gia tăng, xu hướng tiêu dùng cao và số người sử dụng Internet ngày càng đông đảo - những điều này đã thúc đẩy phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.

Việt Nam sắp trở thành trung tâm công nghệ tài chính ở Đông Nam Á? - Ảnh 1

Thống kê mới đây cho thấy 54% dân số Việt Nam sử dụng Internet và con số này dự kiến tăng mạnh trong những năm tới. Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến củng cố phát triển kinh tế kỹ thuật số. Bài viết nhận định với tiềm năng trong nền kinh tế kỹ thuật số kết hợp với triển vọng kinh tế sáng sủa, Việt Nam sẽ nhanh chóng trở thành một trung tâm khởi nghiệp (start-up) Fintech tại khu vực. 

Theo số liệu thống kê từ Vietnam Briefing, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2017, đã có 39.580 doanh nghiệp khởi nghiệp gia nhập thị trường Việt Nam, tăng 14% so với quý 1/2016. 

Trong số các doanh nghiệp mới này, Fintech đã trở thành lĩnh vực hấp dẫn nhất đối với giới đầu tư với số vốn đổ vào lên tới 129 triệu USD vào năm 2016.Tác giả đánh giá trong những năm qua, hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam đã tiến bộ nhanh chóng. Fintech ở Việt Nam cũng rất đa dạng, khi các doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung vào tất cả các lĩnh vực, từ cho vay ngang hàng và điểm tín dụng đến thanh toán di động và hơn thế nữa.Một lý do nữa khiến Việt Nam đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp start-up Fintech là sự hỗ trợ của chính phủ. Năm 2016, chính phủ thành lập Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC), thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, nhằm hỗ trợ đào tạo, cố vấn, nuôi dưỡng ý tưởng kinh doanh, tăng tốc và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp này.

Chính phủ cũng có các chương trình thuế đặc biệt dành cho các doanh nghiệp start-up với những điều kiện nhất định.Ngoài ra, cũng có nhiều chương trình tăng tốc khác nhau trong cả nước hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, điển hình là việc Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) đầu tư 6 triệu USD cho các doanh nghiệp này để bắt đầu xây dựng các công ty toàn cầu tại Việt Nam.Các doanh nghiệp start-up được hỗ trợ đã giúp nhiều công ty trong nước phát triển thành công.

Do đó, các khoản đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đang đổ vào các công ty Fintech Việt Nam.Năm ngoái, các quỹ đầu tư Korea Investment Partners (KIP) của Hàn Quốc và Mirae Asset Venture Investment đã đầu tư 10 triệu USD vào nhà phát triển ứng dụng di động Việt Nam Appota.Ngay cả những tập đoàn Fintech toàn cầu như Alibaba cũng đang khai thác sự phổ biến của Fintech ở Việt Nam.

Samsung Pay đã gia nhập thị trường vào tháng Chín năm ngoái sau một thỏa thuận với Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS). Không lâu sau, Alibaba đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với NAPAS để cho phép du khách Trung Quốc sử dụng Alipay khi đi du lịch khắp Việt Nam.Tác giả kết luận Việt Nam đã đi một chặng đường dài, phát triển từ nền kinh tế nông nghiệp thành nền kinh tế với triển vọng phát triển Fintech ấn tượng trong khu vực./.

Tin Cùng Chuyên Mục