Ngày pháp luật

Việt Nam ở thế tiến thoái lưỡng nan vì căng thẳng Mỹ - Trung

Theo Phúc Minh/ Zing

Theo chuyên gia, sắp tới, làn sóng các công ty nước ngoài bỏ Trung Quốc vào Việt Nam và các quốc gia khác sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại cũng đang làm khó Việt Nam.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và những tác động đến nền kinh tế Việt Nam là một trong những nội dung được các diễn giả trong và ngoài nước nhắc đến tại Hội nghị Đầu tư 2018 với chủ đề “Kinh tế 4.0: Từ tiến hóa đến cách mạng”, diễn ra sáng 2/11.

Khuynh hướng rời khỏi Trung Quốc ngày càng tăng

Tại hội nghị, các chuyên gia đã dành nhiều thời gian thảo luận về việc trong bối cảnh kinh tế số, các doanh nghiệp nên lựa chọn tăng trưởng bền vững hay bứt phá để hiệu quả về quy mô lẫn doanh số.

Bà Tina Ju - người sáng lập và điều hành Công ty KPCB China & TDF Capital (Trung Quốc), dẫn chứng về cuộc cách mạnh công nghệ tại đất nước này để đưa Trung Quốc nắm giữ gần 50% của nhóm 20 công ty công nghệ ảnh hưởng toàn cầu năm nay.

Việt Nam ở thế tiến thoái lưỡng nan vì căng thẳng Mỹ - Trung - Ảnh 1
Nhiều công ty chuyên gia công, lắp ráp linh kiện cho Apple muốn chuyển hoạt động sản xuất sang Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan... Ảnh: Getty.

Bà Tina Ju cho biết Mỹ vốn rất mạnh về công nghệ và Internet nhưng hiện Trung Quốc mới là nước có lượng người sử dụng Internet nhiều nhất thế giới. Bên cạnh đó, lượng người dùng smartphone của Trung Quốc gấp 3 lần Mỹ, dùng dịch vụ thanh toán di động gấp 11 lần nước Mỹ.

Nữ doanh nhân từng nằm trong top 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn năm 2016 cho rằng nguyên nhân không chỉ do quy mô dân số của Trung Quốc quá đông mà các công ty công nghệ nước này hiểu rất rõ hành vi của người tiêu dùng. Từ đó, mới có lợi thế cạnh tranh riêng.

CEO Công ty KPCB China & TDF Capital cũng cho biết thêm hiện Trung Quốc là trung tâm sản xuất điện thoại đứng đầu thế giới, nắm giữ 40% thị phần toàn cầu so với con số 0 cách đây 10 năm.

Tuy nhiên, theo bà, trong tương lai đất nước này không còn là trung tâm sản xuất điện thoại nữa, nguyên nhân là dân số của Trung Quốc đang ngày càng già đi, nhu cầu việc làm của lao động và đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra.

“Căng thẳng thương mại leo thang làm nhiều nhà sản xuất nước ngoài muốn dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc để về Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ… Hiện đã có nhiều tập đoàn của Nhật Bản, Hàn Quốc tìm các thị phần khác để sản xuất. Trong tương lai, xu hướng này sẽ mạnh hơn. Tuy Trung Quốc không mất hẳn thị phần nhưng ngày càng sẽ hẹp đi”, bà Tina Ju nói.

Căng thẳng thương mại là bài toán khó nhất của Việt Nam

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng cuộc chiến thương mại đang ngày càng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh sẽ khiến nhiều nền kinh tế châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc và các nước ASEAN chịu nhiều tác động tiêu cực.

Việt Nam ở thế tiến thoái lưỡng nan vì căng thẳng Mỹ - Trung - Ảnh 2
Theo chuyên gia Trần Đình Thiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là bài toán kinh tế khó cho Việt Nam. Ảnh: Getty.

Theo ông Thiên, nguyên nhân là các nước này xuất khẩu hàng hóa trung gian nhiều nhất sang Trung Quốc để lắp ráp, gia công rồi xuất khẩu sang Mỹ. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế chung của ASEAN có thể sẽ giảm trong tương lai.

“Khi hai ông lớn đấu nhau thì Việt Nam rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan vì Mỹ là thị trường xuất siêu của Việt Nam, trong khi Trung Quốc lại là nơi nhập siêu. Đây là bài toán khó nhất từ trước đến nay của kinh tế Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định.

Theo ông, chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam như thế nào trong tương lai là không thể biết trước được. Để tháo gỡ bài toán khó này, Việt Nam phải tự thân cải cách để ngày càng mạnh hơn.

“Đẩy mạnh như thế nào cho hiệu quả? Nền tảng là phải đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực tư nhân, chuẩn bị hạ tầng số cho cuộc chơi mới. Dĩ nhiên, chúng ta phải vừa nói, vừa làm. Trong đó, Chính phủ phải là người cải cách đầu tiên, lập các ban và mời chuyên gia nước ngoài”, PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.

Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng trước hết, Chính phủ số phải là nơi tạo điều kiện cho hạ tầng số phát triển.

Tuy nhiên, ông Thiên thẳng thắn nhìn nhận, thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian là những phiền toái mà doanh nghiệp đang đối mặt. Nguyên nhân một phần đến từ thực trạng yêu cầu “bôi trơn” cho thủ tục.

Ông khuyến khích các doanh nghiệp phải phản ánh nhiều hơn về vấn đề này, phải gây áp lực nhiều hơn nữa mới có thể thúc nhanh cải cách về thủ tục và cải thiện môi trường kinh doanh.

Tin Cùng Chuyên Mục