Báo cáo tình hình kinh tế tháng 10 của Tổng cục Thống kê cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 10 đạt 53,5 tỷ USD, giảm 0,4% so với tháng 9, nhưng tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì tốc độ tăng cao với 537,3 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,45 tỷ USD sau 10 tháng, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,63 tỷ USD.
Về xuất khẩu, kim ngạch đạt 267,9 tỷ USD sau 10 tháng, tăng 16,6% so với cùng kỳ. Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực tăng trưởng chính khi đạt 69,77 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu, khu vực có vốn FDI đạt gần 198 tỷ USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ.
Có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63% bao gồm mặt hàng điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ...
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76 tỷ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 44,2 tỷ USD, xếp sau đó là thị trường EU, ASEAN, Hàn Quốc với kim ngạch xuất khẩu dao dộng trong khoảng 18 - 31,7 tỷ USD.
Về kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 10 tháng đầu năm đạt 269,3 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ.
Có 4 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 5 tỷ USD là điện tử, máy tính, linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện; vải.
Trung Quốc dẫn đầu danh sách thị trường nhập khẩu của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,4 tỷ USD, gấp gần 7 lần so với con số 13 tỷ USD của Mỹ. Các thị trường khác như Hàn Quốc đạt 45,5 tỷ USD, ASEAN đạt 33 tỷ USD.