Ngày pháp luật

Việt Nam có cách hút thêm hàng trăm tỷ USD mỗi năm

Theo The Leader

Vua hàng hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn cho rằng, phát triển các trung tâm tài chính, các khu phi thuế quan có thể giúp thu hút hàng trăm tỷ USD cho Việt Nam.

Trung tâm tài chính là nguồn máu cung cấp cho khu phi thuế quan

Xuất thân là thanh tra tài chính của hãng Boeing, Johnathan Hạnh Nguyễn chính là người hỗ trợ cho việc mở đường bay chính thức giữa Việt Nam và Philippines vào năm 1985. 

Là một trong những Việt kiều đầu tiên về nước đầu tư, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của ông đã đầu tư và hợp tác đầu tư 30 dự án với tổng số vốn hơn 280 triệu USD. Những dự án này mang lại doanh số hằng năm khoảng 460 triệu USD và tạo công ăn việc làm cho hơn 20.000 lao động ở Việt Nam.

Với kinh nghiệm, năng lực của mình, ông đã cùng với năm đối tác khác được giao thực hiện dự án Nhà ga hành khách quốc tế thuộc Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Ông đã hợp tác với các đối tác như DFS, SASCO, AUTOGRILL để đầu tư mở hàng loạt chuỗi cửa hàng miễn thuế, cửa hàng lưu niệm, cửa hàng thức ăn nhanh và nhiều dịch vụ phi hàng không trên khắp các sân bay Việt Nam và Philippines.

“Vua hàng hiệu” Hạnh Nguyễn cũng đã đổ 40 triệu USD vào khu mua sắm cao cấp Rex Arcade nằm trong khách sạn Rex, một trong những kiến trúc mang phong cách Pháp và là biểu tượng của Sài Gòn được xây dựng từ năm 1927. Ông còn là một trong những thành viên mang lại cho IPPG doanh thu lớn nhất là Công ty Imexpan Pacific, nhà phân phối độc quyền nhiều sản phẩm hàng hiệu tại Việt Nam với 400 tỷ đồng đầu tư Tràng Tiền Plaza.

Johnathan Hạnh Nguyễn xuất thân là thanh tra tài chính của hãng Boeing. 
Johnathan Hạnh Nguyễn xuất thân là thanh tra tài chính của hãng Boeing. 

Ngày 10/6/2020, IPPG đã trúng thầu dự án khu phi thuế quan Phú Quốc. Với tổng diện tích đất sử dụng 101ha, tổng chi phí dự kiến 6.830 tỷ đồng, thời gian hoàn thiện 5 năm, một trong những yêu cầu đưa ra tại hồ sơ mời sơ tuyển là nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thực hiện dự án công trình phức hợp, trong đó phải có hạng mục khu phi thuế quan hoặc khu kinh doanh cửa hàng miễn thuế (nhà đầu tư phải được phép làm nhà phân phối chính thức thương hiệu lớn thế giới tại Việt Nam).

Ông Hạnh Nguyễn cho biết, khu vực bắc Khu kinh tế Vân Phong đã được tập đoàn nghiên cứu cách đây hai năm. Dự kiến lượng vốn đầu tư ở khu vực này khoảng 40 tỷ USD, IPPG có thể kêu gọi được những nhà đầu tư lớn ở nước ngoài đầu tư theo những lĩnh vực thế mạnh.

Chia sẻ về tiềm năng của khu phi thuế quan và các trung tâm tài chính, một sức bật mới cho Việt Nam ngay sau đại dịch, trong buổi giao lưu với các doanh nhân của HUBA nhân kỷ niệm 4 năm chương trình “Cà phê doanh nhân”, ông Hạnh Nguyễn cho biết, chọn năm 2020 để đưa ra đề án chuẩn bị 5 năm nay, tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ ủng hộ dự án thành lập khu phi thuế quan. 

Đầu tư 30 triệu USD tập trung đầu tư ngành kinh tế hàng hiệu cách đây 30 năm, hiện ông đã có trong tay 108 loại hàng hiệu quốc tế, đó mới là điều kiện tiên quyết để trúng thầu, phát triển khu phi thuế quan.

Hàng lỗi thời chỉ 6 tháng đến 1 năm nhưng giá thấp gấp nhiều lần, đó là sức hút mạnh mẽ cho người tiêu dùng Việt Nam. Thông thường, hàng hóa nội địa khi được xuất khẩu vào khu vực phi thuế quan sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0%. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho các dịch vụ du lịch, lưu trú, nghỉ dưỡng, mua sắm phát triển mạnh mẽ, kích thích cho tăng trưởng của du lịch Phú Quốc nói riêng và các tỉnh ngay sau đại dịch.

Khu phi thuế quan nội địa là nơi khách du lịch có thể tìm mua những món hàng hiệu với giá bán rẻ tới 1/3 so với giá gốc. Đây cũng chính là mô hình kinh doanh mà Phú Quốc đang cần để du khách kết hợp nghỉ ngơi, vui chơi, ăn uống và chi tiêu mua sắm hàng hoá có giá trị cao.

Ngày 28/8/2020 nghị định về khu phi thuế quan đã được ký kết, thí điểm đầu tiên ở Phú Quốc. 

"Chúng ta phải làm khu phi thuế quan ở nhiều nơi như Phú Quốc, Bắc Vân Phong... Trung Quốc có 6 đặc khu và sắp tới họ sẽ có 10 đặc khu, tại sao họ mê làm khu phi thuế quan, hàng miễn thuế? Bởi vì hàng tỷ du khách đến Trung Quốc sẽ bỏ ra hàng trăm tỷ USD mua hàng.

Rất tiếc nghị định đẩy mạnh các trung tâm tài chính trọng điểm tại TP. HCM và Đà Nẵng vừa rồi bị khựng lại. Tôi đề nghị Chính phủ nên sớm thành lập trung tâm tài chính ngay tại khu phi thuế quan, điều đó rất quan trọng. Khu phi thuế quan sẽ không thành công nếu không có trung tâm tài chính. 

Chúng tôi sẽ là đầu tàu, tiếp tục sứ mệnh kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tôi không thể trực tiếp gặp từng doanh nghiệp, mà sẽ làm việc với HUBA để có kế hoạch khi nào được bấm nút duyệt quy hoạch 1/500. Cùng hợp tác, đồng hành, phát triển trung tâm tài chính, vì đây là nguồn máu cung cấp cho khu phi thuế quan.

Thế giới đã đi trước chúng ta 20 năm, chúng ta cứ nói thành phố thông minh, thành phố 4.0, nhưng quan trọng là thành phố Expocity như sân bay Long Thành, rất dễ làm, không phải lấy áo cắt lại cho vừa nữa mà làm mới hết, để có thành phố hoàn toàn mới.

Để thành lập trung tâm tài chính, một mình tôi không làm nổi, đã có các tỷ phú cùng tôi thành lập trung tâm tài chính cho Đà Nẵng. Chúng tôi có dự án 500 triệu USD nhắm đến 200 triệu khách cho Đà Nẵng", ông Hạnh Nguyễn nói.

Chiến lược vượt qua đại dịch

Đề cập đến tình hình kinh doanh của IPPG ngay trong mùa dịch, trái với lo ngại của nhiều người về sức mua giảm sút, ông Hạnh Nguyễn cho biết, sức mua hàng hiệu không hề giảm sút. Giới nhà giàu của Việt Nam trước đây phải bay qua nước ngoài mua hàng hiệu, bây giờ họ được mua hàng hiệu phục vụ ngay tại nhà. 

Trước thực trạng bay sang nước ngoài đang rất khó khăn, ông đã chỉ đạo nhân viên gửi hình những món hàng hiệu mới, thông báo đã có mặt tại Việt Nam và có thể giao hàng ngay nếu cần. IPPG bán hàng qua online và phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi, vừa không phải mở cửa hàng, không tăng nhân viên, cắt giảm được chi phí 20% mà doanh thu vẫn tăng 15%. 

"Điều này chưa từng có tiền lệ, giúp cho lợi nhuận của IPPG càng tăng thêm ngay trong đại dịch", ông Hạnh Nguyễn cho biết.

Không thuận lợi như mảng kinh doanh hàng hiệu, Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) và Nhà ga sân bay quốc tế Cam Ranh lại chịu tác động tiêu cực vì Covid-19.

Dự án tại sân bay Cam Ranh chịu thiệt hại nhiều nhất với 25 ngàn lao động. Tuy nhiên, nhờ chuyển hết khoản lợi nhuận 335 tỷ đồng của năm ngoái làm quỹ dự phòng, nhà ga sân bay vẫn sẽ an toàn trong 5 năm tới.

Về Sasco, công ty có hai mảng là nội địa và quốc tế, khủng hoảng dịch bệnh nên đã chuyển nhân viên từ mảng quốc tế (hiện không có việc làm) sang mảng nội địa để cùng chia sẻ công việc thay vì cắt giảm nhân sự. Phần lãi hơn 300 tỷ đồng của Sasco cũng được giữ lại, chỉ chia một phần.

"Trong kinh doanh phải suy đoán, luôn luôn có quỹ dự phòng. Tập đoàn đã có quỹ dự phòng hơn 2.000 tỷ đồng để khi nào cần sẽ tung ra. Nhưng thực sự nhìn lại thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa cần dùng đến bởi mỗi công ty đều tự cứu sống được mình”, Chủ tịch IPPG cho biết thêm. 

Chia sẻ về những điều kiện để người tiêu dùng có cơ hội mua hàng hiệu giá thấp ngay tại TP. HCM mà không phải bay ra Vân Đồn hay một nơi khác, ông Hạnh cho biết cần hai điều kiện. 

Thứ nhất, TP. HCM hiện đã có lợi thế khi TPP có hiệu lực, thuế suất từ các nước châu Âu sẽ bằng 0, công ty bán hàng hiệu sẽ giảm giá theo. Tuy nhiên, vì Mỹ đã rút khỏi TPP, nên trong hai nguồn cung ứng lớn từ châu Âu và Mỹ, hiện chúng ta mới chỉ được hưởng lợi thế một nửa.

"Tại sao chúng ta không đàm phán song phương với Mỹ để có cơ hội đối tác chiến lược với nhiều đột phá hơn về xuất nhập khẩu? Hiệp dịnh song phương với Mỹ giúp chúng ta rất an toàn để phát triển, khi đó doanh nghiệp không phải ngoi ngóp thở như này nữa”, ông Hạnh Nguyễn đặt câu hỏi.

“Tôi nói rõ lại khu phi thuế quan không 100% hàng ngoại, khách quốc tế rất chuộng hàng thủ công làm bằng tay của Việt Nam. Tôi đã chứng minh toàn bộ sân bay quốc tế, trong đó hơn 50-60% là bán hàng Việt Nam. Các doanh nhân yên tâm, chúng ta cùng đồng hành và luôn có vị trí cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hạnh Nguyễn khẳng định.

Kiến nghị với Chính phủ, Chủ tịch IPPG nhấn mạnh vai trò của hiệp hội trong việc tác động Chính phủ cải cách thể chế. 

“Chúng ta đang còn khó khăn, Chính phủ hãy cứu các doanh nghiệp đang chìm xuồng, đừng lấy tiền chia đều hết. Những doanh nghiệp như chúng tôi thì không cần phải cứu, vì đã có quỹ dự phòng. Trở ngại lớn nhất là các thủ tục hành chính, Chính phủ cần tập trung cứu bằng các cải cách quyết liệt, chứ không nói chung chung.

Doanh nghiệp hơn lúc nào hết hãy bình tĩnh, cần gì cứ gõ cửa các chủ tịch hiệp hội như HUBA, VCCI để họ đưa lên Chính phủ. Hiệp Hội chính là cái phao cứu sinh của doanh nghiệp, nhất là lúc này. Tôi hy vọng Chính phủ sẽ làm việc hết lòng cho doanh nghiệp. Chúng tôi không xin tiền của Chính phủ, chúng tôi chỉ cần cơ chế.

35 năm trước chúng tôi đã góp phần mở được đường bay từ Philippines tới Việt Nam, với kinh nghiệm và trường đời, tôi xây dựng chiến lược cho doanh nghiệp 35 năm tới, vươn ra khắp các tỉnh thành, đồng hành cùng đất nước để phát triển”, Chủ tịch IPPG khẳng định. 

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục