Nổi tiếng với phát ngôn “60 tuổi quá trẻ để không làm gì”, Việt kiều Nguyễn Thanh Mỹ, tiến sĩ sở hữu hơn 200 bằng sáng chế và là người tạo ra thung lũng Sillicon tại Trà Vinh, đã gây bất ngờ khi mới đây ông đã có những chia sẻ về vấn đề khởi nghiệp tuổi xế chiều trong tập 5 chương trình "Café khởi nghiệp".
Khởi nghiệp tuổi xế chiều: Thời gian chính là thách thức
Ở độ tuổi đáng ra phải an hưởng tuổi già và sum vầy cùng con cháu nhưng “Việt kiều té giếng” Nguyễn Thanh Mỹ lại chọn cho mình một con đường chông gai hơn. Ông đứng ra khởi nghiệp tại vùng đất Trà Vinh, một tỉnh còn nghèo nàn được cho là không có nhiều cơ hội. Nhưng ông lại thành công khi tạo ra nhiều đột phá công nghệ thu về hàng loạt tỷ USD với tập đoàn Mỹ Lan và hiện nay đang là người đứng đầu tập đoàn Rynan gồm: Rynan Agrifoods, Rynan Technologies và Rynan Smart Fertilizers.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ thách thức lớn nhất với ông khi khởi nghiệp ở tuối xế chiều chính là thời gian. Khi đang ở ngưỡng “sinh lão bệnh tử”, ông sợ mình sẽ không còn nhiều thời giờ để làm những điều mà ông muốn. Tuy nhiên, chừng nào vẫn còn đủ tỉnh táo và minh mẫn, tiến sĩ Việt kiều vẫn nỗ lực phát triển mô hình “thung lũng Sillicon” tại Trà Vinh.
Khi được hỏi về việc khi nào sẽ nghỉ hưu, chủ tịch tập đoàn Rynan tâm sự: “Đôi khi bà xã tôi thấy tôi làm việc cực nhọc, bà xã cũng hỏi tôi chừng nào mới về hưu. Tôi mới trả lời rằng: "Em (đừng) có lo khi nào anh về hưu tại vì anh biết 2 tuần sau đó anh chết”. Câu trả lời hài hước và vui nhộn của ông thể hiện sự lạc quan và nhiệt huyết mà thậm chí nhiều người trẻ hiện nay còn không có được.
Vấn đề xây dựng đội ngũ kế thừa
Đứng trước vấn đề nan giải là thời gian, ông Nguyễn Thanh Mỹ cho biết giải pháp của ông hiện nay chính là xây dựng đội ngũ kế thừa. Ông tiết lộ sẽ không quan trọng việc “cha truyền con nối”, bởi ông muốn các con mình được tự do làm điều mà họ thích.
Với ông “đi lên từ 2 bàn tay trắng thì chết đi cũng với 2 bàn tay trắng”. Đây là tư duy mà ông chủ tập đoàn Rynan muốn nhân viên mình hiểu được, để từ đó họ ý thức trách nhiệm của bản thân với công ty hơn. Vì họ, với ông Nguyễn Thanh Mỹ, chính là những người sẽ kế thừa Rynan về sau.
Quan điểm của người đứng đầu tập đoàn Rynan là: “Đi lên từ 2 bàn tay trắng thì chết đi cũng với 2 bàn tay trắng”.
Bàn về những tiêu chí cần có ở đội ngũ kế thừa mà ông đang xây dựng, tiến sĩ sở hữu 200 bằng sáng chế cho hay ông không đặt nặng vấn đề chuyên môn. Theo ông, chuyên môn và kinh nghiệm có thể đào tạo được. Cái mà ông cần ở những người trẻ hiện này chính là sự cầu tiến và khao khát muốn thành công, đóng góp cho xã hội.
Ông cho rằng người Việt Nam rất thông minh. Song người trẻ trong nước lại không sáng tạo bằng khi họ ra nước ngoài. Chính vì thế, ngay tại quê nhà ông phải đầu tư để tạo ra nhiều môi trường kích thích sự sáng tạo của người trẻ. Những chi tiết nhỏ nhặt như việc đặt bàn lục giác, tạo mô hình mở co-working space cũng là những yếu tố để tạo nên một môi trường thúc đẩy sự sáng tạo.
Ngoài ra, việc hợp tác với các trường đại học các cơ sở đào tạo cũng là cách để ông Nguyễn Thanh Mỹ tìm kiếm những đội ngũ kế thừa hiệu quả.
Với những thành công đã đạt được khi khởi nghiệp ở tuổi 60, ông Nguyễn Thanh Mỹ đã trở thành hình mẫu cho nhiều startup trẻ noi theo, đặc biệt là với những startup làm về lĩnh vực công nghệ nông nghiệp.
Ông gửi lời nhắn đến thế hệ startup trẻ: “Đừng sợ thất bại, bây giờ người ta chết mập chứ chẳng ai chết đói”.
Trong khi startup trẻ ngày nay có vô vàn nỗi lo, trong đó nỗi lo lớn nhất vẫn là sợ thất bại, tiến sĩ Việt kiều lại cho rằng đây không phải là điều đáng quan ngại bởi “bây giờ người ta chết mập chứ chẳng ai chết đói”, vì thế đừng sợ đói và thất bại. Thay vào đó, hãy quan tâm đến những đóng góp của doanh nghiệp vào xã hội chung quanh.
Để thành công các startup cần ghi nhớ rằng sản phẩm tốt cần mô hình kinh doanh phù hợp để phát triển. Riêng đối với các startup về nông nghiệp, cần tích cực hợp tác với các phòng nông nghiệp và cơ quan ban ngành sở để thu hẹp khoảng cách với người nông dân. Đặc biệt, cần phải đặc mình vào trí của người nông dân để thấu hiểu thị trường, từ đó đưa ra sản phẩm tốt nhất.
Xem tập 5 của chương trình "Café khởi nghiệp" tại đây: