Cạnh tranh gay gắt
Năm 2013, tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt 17%, năm 2014 con số này tăng lên 20,9%; nhưng năm 2015 tụt xuống còn 10,9%.
Đặc biệt, 10 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến mức tăng cho cả năm nay là 5%.
10 tháng đầu năm nay ngành dệt may đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 23,3 tỷ USD. Như vậy, mục tiêu xuất khẩu năm nay của ngành Dệt may đạt từ 28-29 tỷ USD là khó thực hiện.
Từ mức tăng trưởng xuất khẩu hai con số nay giảm xuống chỉ còn 5% cho thấy ngành hàng có giá trị xuất khẩu nhất nhì Việt Nam đang gặp những khó khăn không nhỏ.
Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2016, do khó khăn chung của thị trường thế giới, tổng cầu nhập khẩu hàng dệt may tại các thị trường lớn đều giảm.
Cụ thể, Mỹ giảm 4,74%, EU giảm 1,5%, Hàn Quốc giảm 0,2%. Chỉ có thị trường Nhật Bản tăng nhẹ lên 3,6%. Ngoài ra, tình hình kinh tế, tiêu dùng cho hàng dệt may trên thế giới không mấy cải thiện nên dẫn đến tình trạng khó khăn của ngành dệt may.
Từ những khó khăn trên, mức tăng trưởng của Vinatex cũng đạt ở mức khá “khiêm tốn”. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2016 của Tập đoàn đạt 31.065 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, ước cả năm tăng 5% so với cùng kỳ 2015. Doanh thu 10 tháng năm 2016 đạt 33.749 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ, ước cả năm tăng 5% so với cùng kỳ 2015.
Các sản phẩm của Vinatex phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh...
Các nước này đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ của họ, đặc biệt là về tỷ giá so với đồng USD để phát triển ngành Dệt may và thu hút đơn hàng. Giá gia công ngành may trong 3 năm gần đây của họ không tăng.
Gia tăng chi phí
Thời gian tới doanh nghiệp dệt may Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục gặp khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ.Ngoài ra, dự đoán cho thấy, trong năm 2017, tổng nhu cầu dệt may thế giới sẽ vẫn tăng trưởng chậm.
Đặc biệt, việc Anh rời EU và Tổng thống mới đắc cử Mỹ tuyên bố không ủng hộ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang 2 thị trường lớn là EU và Mỹ. Những điều này khiến ngành Dệt may gặp khó trong thời gian tới.
Theo giải thích của Vinatex, ngoài việc cạnh tranh gay gắt với các đối thủ, một trong những khó khăn của ngành gặp phải là chi phí ngành ngày càng cao liên quan đến vận tải lưu kho hàng lẻ, chi phí dịch vụ vận chuyển, cân trọng lượng container trước khi xuất khẩu của các hãng tàu nước ngoài bị đẩy lên cao bất hợp lý.
Đặc biệt, việc Hãng vận tải biển Hanjin phá sản dẫn đến việc tăng giá thành vận chuyển đường biển trong thời gian tới, ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu dệt may.
Ngoài ra, nguồn nhân lực ngành Dệt may Việt Nam đang bị thiếu hụt, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao như quản trị may, thiết kế thời trang, kỹ sư chuyên ngành sợi, dệt nhuộm. Một số dự án của Tập đoàn và đơn vị thành viên gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng lao động…
Theo lãnh đạo Vinatex, để ngành Dệt may Việt Nam phát triển ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh thì trong thời gian tới cần tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước; quản lý tốt hơn các dự án đầu tư vào dệt may.
Vinatex cũng đề xuất không tăng lương tối thiểu thường xuyên hàng năm và giảm tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm theo lương. Ngoài ra, còn phải điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Dệt may phù hợp với tốc độ hội nhập sâu rộng của Việt Nam.
Thống nhất quy hoạch, cấp phép các khu công nghiệp dệt may và hỗ trợ lãi vay cho các doanh nghiệp. Hỗ trợ sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật đang gây vướng mắc cho doanh nghiệp Dệt May. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực dệt may. Ban hành các chính sách thu hút công nghệ tiên tiến...