Ngày pháp luật

Vì sao VNG vẫn hút vốn đầu tư dù lợi nhuận giảm?

Theo Ánh Dương/Nhịp sống Kinh Tế

Việc lợi nhuận sau thuế sụt giảm không hề khiến cho VNG mất đi sức hấp dẫn trong mắt các quỹ đầu tư lớn.

Theo Báo cáo đã được kiểm toán năm 2018 của VNG, VNG đạt doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 4.316 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 4.266 tỷ đồng của năm 2017 và tổng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 333 tỷ đồng, giảm tương đối mạnh so với năm 2017. 

Trong đó, mảng kinh doanh trọng tâm của VNG là dịch vụ kinh doanh trực tuyến giảm nhẹ, đạt hơn 3.463 tỷ đồng. Doanh thu từ dịch vụ quảng cáo trực tuyến, ngược lại, lại có sự tăng trưởng khá mạnh mẽ đạt hơn 724 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với năm 2017. 

VNG cũng là doanh nghiệp nội dung số hiếm hoi trong năm 2018 có sự gia tăng về giá trị tài sản. Cụ thể, tổng tài sản của VNG năm 2018 đã tăng gần 580 tỷ đồng, từ hơn 4.300 tỷ đồng cuối năm 2017 lên 4.879 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Vốn chủ sở hữu cũng tăng thêm lên hơn 354 tỷ đồng trong năm 2019. Tháng 9/2018, VNG cũng đã hoàn thành tăng vốn điều lệ từ hơn 337 tỷ đồng lên hơn 345 tỷ đồng.  

Dù đạt mốc doanh thu cao nhất kể từ khi thành lập (2004) nhưng VNG vẫn không đạt được mục tiêu mà Đại hội đồng Cổ đông năm 2018 đề ra khi đặt mức doanh thu 5.006 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 549 tỷ đồng. 

Vì sao VNG vẫn hút vốn đầu tư dù lợi nhuận giảm? - Ảnh 1

 

Từ nguyên nhân chủ quan, việc lợi nhuận 2018 của doanh nghiệp này giảm là do VNG đang tập trung đầu tư rất mạnh cho những lĩnh vực mới mang tính chiến lược dài hạn như thanh toán điện tử và tài chính, dịch vụ đám mây, cũng như là tăng cường mở rộng sự hiện diện của mình tại các thị trường nước ngoài giàu tiềm năng.

Việc đầu tư các sản phẩm mới như ZaloPay, Dịch vụ đám mây và mở rộng sang các thị trường nước ngoài như Thái Lan, Myanmar, Singapore và tới đây là Philippines tất yếu đòi hỏi chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí marketing tăng mạnh. Ví dụ như chi phí bán hàng đã tăng từ hơn 764 tỷ đồng năm 2017 lên 1.194 tỷ đồng trong năm 2018.

Cùng với đó, năm 2018, các khoản chi phí khác như phí bản quyền, dịch vụ trả trước, phí bản quyền âm nhạc, tiền thuê đất… năm 2017. Hay như việc VNG năm 2018 chi thêm 175 tỷ đồng để xây dựng Trụ sở văn phòng VNG (VNG Campus)…đã khiến trong ngắn hạn lợi nhuận của VNG tạm sụt giảm.

Bên cạnh đó, việc doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm của VNG đã phản ánh đúng diễn biến thực tế của ngành nội dung số trong năm 2018. Sự cạnh tranh khốc liệt với các tập đoàn xuyên biên giới lắm tiền nhiều vốn, thị trường quảng cáo hầu hết nằm trong tay các ông lớn nước ngoài như Google, Facebook…đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Internet trong nước. Ngoài ra, việc các nhà mạng viễn thông đột ngột dừng kênh thanh toán thẻ cào điện thoại cho game và nội dung số từ tháng 4/2018 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu của mảng game năm qua.  

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2018 của VNG là khoản đầu tư vào trang thương mại điện tử Tiki. Báo cáo ghi nhận, trong năm 2018, VNG đã đầu tư thêm vào Tiki 121 tỷ đồng, nắm giữ 28,88% cổ phần. 

Hiện tại, Tiki vẫn đang lỗ và kết quả kinh doanh này gián tiếp ảnh hưởng tới lợi nhuận của VNG. Hiện các thương vụ đầu tư vào thương mại điện tử đang trong giai đoạn 
"rót vốn, đốt tiền" để mở rộng khách hàng, thị trường, thị phần nên khoản lỗ của Tiki vẫn nằm trong dự kiến của các nhà đầu tư và nhỏ hơn rất nhiều so với 2 đối thủ trực tiếp là Lazada hay Shopee.

Nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết, hiện Tiki đang được các nhà đầu tư Hàn Quốc đặc biệt quan tâm và nhiều khả năng sẽ rót vốn vào trong vòng gọi vốn tiếp theo. Trước đó, JD.com đã thực hiện thương vụ rót vốn 1000 tỷ vào Tiki. Sau khi liên tục được rót vốn, hiện giá trị cổ phần của Tiki đang tăng lên nhiều lần so với thời điểm VNG bỏ tiền vào Tiki.

Nhìn một cách tổng thể, bức tranh tài chính của VNG vẫn khá sáng sủa khi không vay nợ ngân hàng, doanh thu vẫn tăng trưởng ổn định. Các sản phẩm đinh như Zalo, ZaloPay vẫn liên tục ghi nhận tăng trưởng về số lượng người dùng. 

Đây có thể là lý do chính khiến các quỹ ngoại vẫn rất "mặn mà" với VNG. Bằng chứng là vào cuối tháng 3/2019, Quỹ đầu tư Seletar Investments, một quỹ đầu tư có quan hệ mật thiết với Temasek Capital (Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore) đã chi hơn 622 tỷ đồng mua 355.820 cổ phiếu quỹ của VNG. Theo giới tài chính, với giá 1.861.800 đồng/cổ phiếu của VNG, mức định giá hiện tại của VNG được cho là khoảng 2,2 tỷ USD, vượt xa mức 1 tỷ USD mà World Startup Report công bố hồi năm 2014. Điều này chứng tỏ VNG vẫn đang là một "mỏ vàng" trong mắt Quỹ ngoại.

Tin Cùng Chuyên Mục