Các thương hiệu ô tô Nhật bán rất ổn định ở thị trường Mỹ, riêng 3 nhà sản xuất Toyota, Honda và Nissan cộng lại đã chiếm 30% thị phần xứ cờ hoa. Doanh số tốt, phản hồi của người dùng cũng đầy tích cực. Thậm chí, doanh nghiệp ô tô Nhật còn thuê một lượng khổng lồ nhân công trên đất Mỹ.
Ở chiều ngược lại, người dân xứ hoa anh đào chẳng hề mặn mà với những xe chuẩn Mỹ như SUV, bán tải, xe cơ bắp hay nói chung là các thể loại xe đến từ thành phố công nghiệp Detroit.
Ford đã bẻ lái ra khỏi Nhật Bản từ năm 2017, General Motors - nhà sản xuất xe lớn nhất của Hoa Kỳ - vẫn kiên cường bám trụ ở Nhật Bản để bán được... vỏn vẹn 700 chiếc suốt năm 2018.
Ford rời khỏi Nhật vì không có thị trường
Thị trường Nhật Bản không hề nhỏ, năm 2018 họ đã giao dịch 5,2 triệu ô tô và đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc (28 triệu chiếc) và Mỹ (17 triệu).
Tổng thống Trump cũng từng bất bình nói rằng “gần như không có chiếc ô tô nào của Mỹ đến Nhật”. Tuy nhiên, dưới sự thống nhất chung về thương mại giữa 2 nước, xe Mỹ nhập vào Nhật cũng không phải chịu thuế.
Vậy nguyên nhân của sự nghịch lý, “mối tình đơn phương” kia là gì?
Nguyên nhân 1: Khác biệt về sở thích, nhu cầu
95% ô tô bán ra ở Nhật là từ các thương hiệu bản địa. Nhập khẩu ô tô cũng chỉ mang tính chất như món rau ăn kèm để sự lựa chọn thêm phong phú. Hơn nữa, hầu hết xe ngoại bán chạy là những chiếc xế hộp sang trọng hay xe thể thao từ châu Âu, không phải từ Mỹ.
Lí do sự ưa chuộng hàng quốc nội của người Nhật là gì? Thứ nhất, ở đây đất chật người đông, đặc biệt là các đại đô thị. Để chung sống với vấn đề này, những chiếc ô tô nhỏ gọn là hợp lí nhất. Theo đó, một trong những hãng xe phổ biến nhất là Kei - vóc dáng nhỏ gọn, có thể lưu thông dễ dàng giữa các khoảng không ít ỏi trên đường sá hay bãi đỗ.
Ông Koji Yamamoto - Chủ tịch công ty khảo sát thị trường J.D Power Nhật Bản cho biết: “Ô tô mini là mảng kinh doanh vô cùng đặc biệt. Người tiêu dùng yêu thích những chiếc xe bé nhỏ này để có thể vừa vặn với diện tích hạn chế ở Nhật Bản”.
Thống kê cho thấy xe Kei chiếm tới 40% thị phần ở Nhật Bản, và dĩ nhiên các hãng Mỹ không chịu sản xuất mẫu be bé như vậy rồi.
Đó cũng do sở thích của người tiêu dùng Mỹ, họ thường chọn các xe lớn như bán tải hay xe thể thao đa dụng. Trước đây, người Mỹ cũng từng sản xuất các mẫu gọn nhẹ như chiếc Ford Fiesta (vẫn khá lớn so với nhu cầu ở Nhật Bản), nhưng vài năm gần đây họ đã thu hẹp hoặc ngừng hẳn luôn mảng này.
Về phía Nhật, các loại xe xuất khẩu như Toyota Camry ngày càng được cơi nới cho hợp lòng khách Mỹ, nhưng không hề phổ biến tại quê nhà của mình.
Một ví dụ khác để tổng kết lại nhé: Ba gã khổng lồ ngành xe Mỹ với những chiếc ô tô to bự là GM, Ford và Fiat Chrysler cộng lại chỉ chiếm có 0,3% thị phần Nhật Bản.
Nguyên nhân 2: Văn hóa mua bán xe ở Nhật Bản đầy lễ nghi phức tạp
Người Nhật xem mua xe là một chuyện hệ trọng đầy ý nghĩa, trong khi đó người Mỹ lại coi đó như chuyện phải làm.
Ở xứ sở Phù Tang, mọi ngành kinh doanh đều đề cao cách phục vụ tận tâm, niềm nở với khách hàng và mua bán xe cũng không ngoại lệ. Khách hàng có thể yêu cầu một chiếc ô tô cá nhân hóa, thậm chí không nằm trong catalog của cửa hàng. Bất ngờ thay, yêu cầu đó thường được thỏa mãn chỉ sau vài tuần!
“Người Nhật thường muốn mua 1 chiếc xe của chính mình, dành cho mình. Ví dụ như bên ngoài màu này, màu sắc bên trong phải như thế kia, hệ thống lái cũng tinh chỉnh đôi chút…” - chủ tịch Yamamoto cho biết.
Chuỗi cung ứng và hệ thống các xưởng hoạt động mạnh mẽ, trải dài trên cả nước đã giúp đáp ứng được nhu cầu cá nhân hóa ô tô của khách hàng Nhật Bản.
Trong khi đó, đối thủ Mỹ dường như không thể hiểu nổi và cũng không chạy theo kịp các vị khách hàng Nhật khó tính nhất trần đời.