Ngày pháp luật

Vì sao luẩn quẩn vòng xoáy tín dụng đen?: Công an “không can thiệp” chuyện siết nhà, ném bàn thờ ra đường

Bùi Yên - Đức Nghĩa

Đã có rất nhiều chỉ đạo từ Chính phủ, yêu cầu các địa phương kiên quyết mạnh tay trấn áp “tín dụng đen”, nêu đích danh “tín dụng đen” là mầm mống gây mất trật tự an toàn xã hội, phải tiêu diệt.

Thế nhưng tại sao ở đây, những vụ chủ nợ - con nợ “tự xử” nhau như vậy dường như lại được coi là đương nhiên, lại được cán bộ cho rằng “phải có đơn mới xử lý”?

Vì sao luẩn quẩn vòng xoáy tín dụng đen?: Công an “không can thiệp” chuyện siết nhà, ném bàn thờ ra đường - Ảnh 1
Bà Đức bật khóc trước căn nhà đã bị tín dụng đen siết nợ

Giỗ đầu chồng một ngày cuối tháng 4/2019, bà Đức xin nghỉ công việc rửa chén một ngày, bắt hai chặng xe buýt từ nơi làm thuê về quê cũ. Người đã chết không nơi đặt ban thờ, bà chỉ còn biết ra nghĩa địa ôm ngôi mộ than khóc. Trưa nắng, bà nhớ quá, lại ghé qua căn nhà cũ, nhìn qua cổng, òa khóc thương thân.

Về cái chết của ông Thành, chồng bà Đức, theo lời kể của những nhân chứng, ông vốn không bệnh tật gì, gần 70 tuổi vẫn khỏe như vâm, sáng chiều làm đủ việc rẫy việc nhà. Chỉ ít ngày sau khi chứng kiến những chủ nợ đến nhà đay nghiến vợ đòi những món tiền “lãi mẹ đẻ lãi con”, ông như phát điên, một sáng mọi người thức dậy phát hiện ông đã tắt thở. 

Ban thờ còn ấm khói nhang, các chủ nợ kéo đến ồn ào lớn tiếng đuổi mấy mẹ con ra khỏi nhà, ném bàn thờ ra đường. Đứa con trai giận mẹ từ ngày ấy bỏ đi phiêu bạt bặt tin. Bà Đức sụp đổ, tâm sự nhiều lần từng lên cầu tần ngần có nên nhảy sông hay không, nhưng thương đứa con gái út đang sinh viên năm cuối, lại không đành tự vẫn, gạt nước mắt đi rửa chén thuê.

Vì sao luẩn quẩn vòng xoáy tín dụng đen?: Công an “không can thiệp” chuyện siết nhà, ném bàn thờ ra đường - Ảnh 2

Ông Thành được cho là vì uất ức trước sự việc mà đột tử   

Bi kịch mất mát ly tán đã ập xuống tan nát một gia đình. Hậu quả đã xảy ra. Thế nhưng có một điều rất lạ là cả quá trình rất dài ấy, không hề xuất hiện sự có mặt của chính quyền, dù sự việc xảy ra ở một nơi đông dân cư giữa thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Chỉ có một lần Công an thị trấn xuất hiện, chính là lần bà Đức bị chủ nợ siết nhà. Và Công an xuất hiện không phải để can thiệp đình chỉ lập biên bản hay phân định đúng sai, mà mục đích chỉ để “yêu cầu đôi bên không được gây mất trật tự an ninh trên địa bàn”.

Giấy vay tiền “quái thai”

Bà Nguyễn Thị Đức (SN 1954, HKTT ấp Trung Lương, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), cho rằng bi kịch vướng vay nặng lãi của nhà bà bắt nguồn từ tính ham làm của người nông dân. Thời điểm dăm năm trước, có những khi giá tiêu lên “thấy mà ham”, vợ chồng bàn nhau vay mượn mua rẫy trồng tiêu.

Ai ngờ tính kiểu “cua trong lỗ”, khi tiêu nhà ra trái thì giá rớt không phanh. Càng trồng càng lỗ, càng thêm những món nợ phân bón, thuốc trừ sâu. Và những khoản “lãi mẹ đẻ lãi con” càng phình lên như con quái vật gớm ghiếc tham ăn vô độ no căng bụng máu.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xuân Trường, xác nhận: “Bà Đức thuộc dạng lo làm ăn chứ không tiêu pha gì. Lúc đầu bà Đức chỉ có 1 ha đất xấu trồng xoài. Thấy giá tiêu lên quá, bà bán 1 ha đất trồng xoài được một số tiền để mua 1 ha tiêu làm ăn. Thiếu tiền thì vay mượn.

Ai ngờ tiêu xuống, mất khả năng chi trả. Ở khu 7 thị trấn Gia Ray, bà có cái nhà cũ, không ở được, đánh liều xây mới khoảng 800 triệu. Cũng phải vay mượn. Cứ nghĩ đứa con đi xuất khẩu lao động sẽ có tiền nhưng đến hạn hợp đồng phải về. Không có tiền trả, mất đất, mất nhà”.  

Nguồn cơn mất mát, còn đến từ những bản hợp đồng “quái thai” giữa người vay và người cho mượn. Như trong giấy vay tiền viết tay giữa bà Đức và ông Phạm Đại Nghĩa (SN 1957, ngụ khu 7, thị trấn Gia Ray) lập cuối tháng 11/2017, ghi nội dung bà Đức vay ông Nghĩa số tiền 650 triệu đồng. “Quái thai” ở chỗ giấy vay tiền này có kèm theo điều khoản “vợ chồng ông Đức có thế chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho tôi đã qua công chứng. Nếu trễ hẹn tôi có quyền thanh lý hợp đồng”. “Hợp đồng chuyển nhượng” đó có nội dung gì? Đó là vợ chồng bà Đức chuyển nhượng cho ông Nghĩa quyền sử dụng 363m2 đất với giá 650 triệu (bằng số tiền vay).

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM), nhận xét, theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp trên, quan hệ giữa hai bên chỉ là vay mượn 650 triệu, còn “hợp đồng chuyển nhượng đất” vô hiệu, không có giá trị. Thế nhưng đến hạn, không hiểu bằng cách nào, ông Nghĩa vẫn ra được sổ đỏ mới vào ngày 28/6/2018.

Và “kỷ lục” hơn nữa, chỉ hơn 1 tuần sau, ngày 6/7/2018, mảnh đất trên lại được sang tên cho một người khác là Nguyễn Thị Hoàng Anh (23 tuổi, ngụ khu 5, thị trấn Gia Ray). Bà Đức, các con, cùng ban thờ người chồng vừa nằm xuống, bị chủ nhà mới “trục xuất” khỏi nhà.

Cán bộ “chờ có đơn”

Nói về lãi suất, bà Đức kể: “Lãi suất bao nhiêu, chủ nợ cứ áp đặt là phải trả bấy nhiêu. Giấy tờ ra sao, họ nói cứ ký giấy nào là ký giấy đó. Có món nợ lên tới 15%”. 

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Xuân Trường cho hay, trong câu chuyện của bà Đức, đúng là câu chuyện lãi suất ra sao, hai bên con nợ - chủ nợ không biết bằng cách nào đó, đã che giấu rất tinh vi, dù hội đồng hoà giải xã đã trực tiếp xử lý ít nhất ba vụ liên quan việc bà Đức mượn tiền.

“Khi cho vay, hai bên tự thoả thuận tiền lãi với nhau. Giữa hai người với nhau và cái giấy tay thoả thuận với nhau, chỉ có hai người đó biết. Khi đưa ra xã hoà giải họ cũng không nói lãi bao nhiêu vì họ cho rằng đó là sự thoả thuận giữa hai bên. Ngay cả bà Đức cũng không nói”.

Ông Mạnh đánh giá: “Vay lãi bao nhiêu phần trăm mình không nắm nhưng chắc chắn có. Bà Đức không làm ra tiền mà lãi thì đẻ ra nên mất khả năng chi trả, tiền nợ cứ thế nhiều lên”.

Ông Đinh Tiến Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường, xác nhận: “Trước đây, bà Đức có vay mượn của ít nhất hai người nhưng không trả nên họ thưa ra đây. Chúng tôi đã hoà giải. Bà Đức vay bà Huệ 240 triệu, bà Lan 390 triệu. Mình chỉ biết vậy chứ họ làm việc với nhau, lãi suất bao nhiêu họ không nói. Còn việc bà Đức bị vay nặng lãi, không có trình báo. Khi làm việc với ủy ban, bà Đức không nói bị người ta cho vay nặng lãi”.

Vì sao luẩn quẩn vòng xoáy tín dụng đen?: Công an “không can thiệp” chuyện siết nhà, ném bàn thờ ra đường - Ảnh 3

Giấy vay tiền “quái thai” giữa bà Đức và chủ nợ Nghĩa

Theo khảo sát của nhóm PV, ở  địa phương này, nhiều người dân cũng cùng quan điểm như bà Đức, rất mơ hồ về thế nào là cho vay nặng lãi. Tới nay, vẫn không ít người dè bỉu bà Đức, cho rằng “ai bảo đến năn nỉ người ta cho vay tiền làm chi”. Từ quan điểm đó, cộng với thủ đoạn tinh vi của những nghi phạm cho vay cắt cổ, tình hình càng phức tạp.

Nạn nhân hiểu biết pháp luật quá mù mờ đến nỗi tới ngày bị “hút máu” đến khô kiệt vẫn không có một lá đơn trình báo đến địa phương hay cơ quan chức năng, tuy nhiên chính quyền địa phương cũng không có trách nhiệm khi không chủ động phòng ngừa tội phạm. 

Ông Đỗ Quang Tuất (Phó Chủ tịch UBND thị trấn Giá Ray), cho rằng: “Uỷ ban thị trấn chưa hề nhận được đơn nào tố cáo như của bà Đức. Do họ không có đơn nên mình không thể xử lý được. Nếu có đơn, mình mới mời họ lên hỏi vay sao, lãi suất sao”.

Về phần ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Công an thị trấn Giá Ray, cho rằng: “Chúng tôi không nắm được sự việc. Chúng tôi có xuống nhưng can thiệp công tác an ninh thôi, việc tiền bạc không liên quan. Chúng tôi xuống nghe nói nợ nần, chiếm nhà gì đó, chúng tôi yêu cầu không được làm mất an ninh trật tự. Còn tiền bạc thì công an không có thẩm quyền. Chúng tôi yêu cầu đôi bên không được gây mất trật tự an ninh trên địa bàn”.

PV đặt câu hỏi “vấn đề vay mượn có thể nói dân sự, nhưng ở đây chuyện lãi suất và phương thức đòi nợ mới là vấn đề, có thể là yếu tố hình sự, vì sao Công an không can thiệp?”. Vị Trưởng công an thị trấn cho rằng: “Lãi suất thì không ai lên báo cả. Không ai có đơn khiếu nại về lãi suất cả. Trên địa bàn thì trước đây một số nhóm làm nhưng đã xử lý hết rồi. Nợ nần thì hướng dẫn người ta khởi kiện ra toà dân sự. Vay mượn thuận tình thì đôi bên cùng có lợi cả. Còn người dân tố cáo thì trước tiên phải tố cáo ở Công an thị trấn. Mà tôi là trưởng ở đây, tôi không nắm được tố cáo thì làm sao?”.

Những quan điểm nói trên bị Luật sư Huỳnh Phước Hiệp phản bác: “Những quan điểm trên đã sai rất cơ bản. Xã hội này không phải xã hội “tự xử”. Luật pháp sinh ra để mọi người tự điều chỉnh hành vi phù hợp với luật. Cán bộ địa phương, chính quyền địa phương có trách nhiệm phải đảm bảo pháp luật được thực thi, không được nói “có đơn mới xử lý”. Ở những địa phương mà cán bộ và người dân có những quan điểm như trên, tín dụng đen chắc chắn vẫn luẩn quẩn, vẫn còn đất sống”.

Bà Đức chỉ là một trong các nạn nhân có đơn tố cáo đến PLVN về việc bị các đối tượng cho vay nặng lãi “hút máu”. Theo các chứng cứ PLVN nắm được, tại địa phương này còn có chuyện một điều tra viên Công an huyện Xuân Lộc đi đòi nợ cùng vợ, có những lời nói vi phạm phẩm chất đạo đức, tư cách cán bộ Công an nhân dân…