Ông Nguyễn Trần Nam – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã nêu lên ý kiến này tại "Hội thảo: Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ" sáng 14/12.
Dẫn lại nghị định, theo ông Nam, điều 8 Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp".
Điều này có nghĩa khoản chi phí lãi vay vượt 20% sẽ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã có văn bản gửi Bộ Tài chính "phàn nàn" về quy định trên. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong trường hợp phải áp dụng quy định này, EVN và các đơn vị thành viên sẽ phát sinh số thuế TNDN phải nộp tăng hàng trăm tỷ. Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - LILAMA, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cũng bày tỏ lo lắng tương tự.
Đánh giá, ông Nguyễn Trần Nam khẳng định, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo Luật, doanh nghiệp có quyền tự do vay vốn, huy động các nguồn tài chính không trái với quy định pháp luật để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, quy định giới hạn chi phí lãi vay của Nghị định 20 theo ông chưa phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO cũng có cái nhìn tương tự. Theo ông, nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn, phải đi vay là chủ yếu; trong khi năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp. Doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao của mọi đối tượng như các tổ chức tín dụng, công ty mẹ, công ty liên kết, cho đến người lao động và các cá nhân, doanh nghiệp khác.
Ông cho rằng, nếu “tổng chi phí lãi vay” trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải được chấp nhận.
Luật sư Đức cũng nhận định: tỷ lệ 20% nói trên là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Chẳng hạn như công ty mẹ ở nước ngoài cho công ty con ở Việt Nam vay vốn tính lãi suất quá cao, dẫn đến công ty ở Việt Nam bị giảm thu nhập, nên không phải nộp hoặc nộp thuế quá thấp.
"Vì vậy, không có lý gì áp đặt đối với các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế" ông Đức lên tiếng.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thì dẫn lại giải trình của Tổng cục Thuế cho rằng, với việc áp dụng quy định trên, chỉ có hơn 400 vượt trần 20% trên, tức là 1% tổng số doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Lực, cơ quan thuế không dẫn thống kê hơn 400 doanh nghiệp này có quy mô ra sao.
Ông Lực khẳng định, hơn 400 doanh nghiệp này đều là doanh nghiệp lớn, như Hoàng Anh Gia Lai tỷ lệ 52%, Vingroup 21%, Novaland 28%,... Đây là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh mẽ nhưng vẫn phải vượt trần.
Ông nêu lên vấn đề của doanh nghiệp Việt vẫn phải vay ngân hàng nhiều vì thị trường vốn chưa phát triển. Trong khi ấy, lãi suất của Việt Nam theo ông là cao. Lãi cho vay thực của Việt Nam được ông thống kê là cao hơn trung bình khu vực. Ví dụ, trong 3 năm 2015-2017, lãi suất cho vay thực của Việt Nam trung bình là 5,3% thì Trung Quốc là 2,6%, Singapore là 3,8%, Philippines là 2,6%. Điều này tức là chi phí đi vay của doanh nghiệp trong nước là cao.
Trong khi chi phí đi vay của doanh nghiệp Việt cao thì quy định chặt trần 20% theo ông là khác biệt so với nhiều nước. Ông ví dụ Mỹ, EU, Hàn Quốc đang áp dụng quy định tương tự nhưng với tỷ lệ trần là 30%, Ấn Độ cũng có tỷ lệ 30%, các nước ASEAN thì vẫn đang nghiên cứu, chưa áp dụng trong đó riêng Indonesia dự kiện áp ở mức 30%.
Từ đó, vị này đề xuất có thể điều chỉnh tỷ lệ trần chi phí lãi vay ở mức 30% thay vì 20% như hiện tại.