Ngày pháp luật

Vì sao không gọi vốn ODA, BOT cho Cảng hàng không Long Thành?

Minh Hữu

Bộ GTVT đã “chấm” phương án giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư giai đoạn 1 dự án trên. Lãnh đạo Bộ này biện giải: “Đầu tư, khai thác sân bay không chỉ là vấn đề thuần về thương mại, kinh tế mà còn liên quan đến an ninh quốc phòng”.

Giai đoạn 1 Sân bay Long Thành (Đồng Nai) có tổng mức đầu tư lớn - lên tới 112.000 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD) nên việc lựa chọn phương án vốn đã được cân nhắc, tính toán cẩn thận theo 3 hướng.

Vì sao không gọi vốn ODA, BOT cho Cảng hàng không Long Thành? - Ảnh 1

Bắt đầu giao đất triển khai xây dựng Sân bay Long Thành vào tháng 6/2020

Lo tăng nợ công, trượt tiến độ

Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án sân bay Long Thành đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Theo đó, phương án đầu tiên là sử dụng vốn vay ODA. Với phương án này, theo Bộ GTVT, hiện chỉ tiếp cận được nguồn vốn của Nhật Bản và Hàn Quốc, thông qua Chính phủ đi vay rồi cho doanh nghiệp vay lại.

Ưu điểm của phương án trên là tiếp cận được nguồn vốn rẻ, nhưng nhược điểm là làm tăng nợ công. Ngoài ra, khi vay ODA, chúng ta bắt buộc phải sử dụng tư vấn, nhà thầu của nước cho vay.

Phương án hai là giao cho ACV thực hiện, sử dụng vốn chủ sở hữu của ACV. Phương án này, không phải sử dụng vốn ODA, không làm tăng mức nợ công. ACV là doanh nghiệp nhà nước năm giữ hơn 95% cổ phần, đang quản lý, vận hành hơn 21 cảng hàng không trên cả nước.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, việc giao ACV thực hiện sẽ giúp Nhà nước kiểm soát được tài sản chiến lược quốc gia, chủ động điều hành, đảm bảo an toàn, an ninh; dự án có thể triển khai ngay công tác thiết kế kỹ thuật để khởi công đầu năm 2021, hoàn thành vào năm 2025.

Cuối cùng là phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khai thác cảng bằng vốn doanh nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Theo Bộ GTVT, phương án này cũng không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA, Nhà nước có nguồn thu từ việc khai thác tài sản sau khi hết thời hạn hợp đồng BOT. Tuy nhiên, việc đấu thầu chọn nhà đầu tư sẽ khiến dự án chậm khoảng 18 tháng, dự án khó “cán đích” vào năm 2025.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Bộ GTVT đề xuất ba phương án trên thể hiện sự cẩn thận, bài bản khi chuẩn bị. Theo ông Long, phương án dùng vốn ODA cần xem xét kỹ vì thời gian qua việc sử dụng nguồn vay ODA bộc lộ nhiều khuyết điểm, làm tăng nợ công, đi đôi với khá nhiều ràng buộc liên quan đến nhà thầu, và không ít dự án tăng tổng mức đầu tư, đội chi phí...

Về phương án giao ACV làm chủ đầu tư, vị này lo ngại không đảm bảo tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Về phía mình, ông Long đánh giá cao phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vì phương án này sẽ tạo sự minh bạch, cạnh tranh công bằng giữa các nhà đầu tư.

Vì sao không gọi vốn ODA, BOT cho Cảng hàng không Long Thành? - Ảnh 2

Ít ngày sau khi nhậm chức, tân Thứ trưởng GTVT Lê Anh Tuấn đã đi thực địa tại hiện trường Dự án sân bay Long Thành

ACV tự tin đủ lực

Đồng thời với việc trình Thủ tướng ba phương án vốn xây dựng sân bay Long Thành, Bộ GTVT cũng đề xuất phương án giao AVC thực hiện dự án này. Theo đó, sau khi phân tích, đánh giá ưu nhược điểm của các phương án đầu tư trên 6 tiêu chí gồm: Hành lang pháp lý, vai trò và lợi ích của nhà nước; tiến độ thực hiện dự án, năng lực và kinh nghiệm đầu tư, khai thác của nhà đầu tư, mức độ thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị đầu tư theo phương án giao ACV trực tiếp đầu tư khai thác bằng vốn của ACV, không sử dụng vốn ODA.

“Đầu tư, khai thác sân bay không chỉ là vấn đề thuần về thương mại, kinh tế mà còn liên quan đến an ninh quốc phòng”, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Theo Bộ này, các hạng mục khác như ga hàng hóa, dịch vụ cung cấp suất ăn, trung tâm bảo trì, bảo dưỡng tàu bay được nhà đầu tư hợp tác với các nhà đầu tư khác để đầu tư, khai thác hoặc nhượng quyền đầu tư khai thác theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với PLVN, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch ACV khẳng định, “Tổng” này đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để xây dựng sân bay Long Thành. Theo ông Thanh, về pháp lý, các tổ chức hàng không quốc tế khuyến cáo một nhà ga nên giao cho một nhà khai thác để đảm bảo sự đồng bộ thông suốt. Hiện ACV đang quản lý, vận hành 21 sân bay trong cả nước, nên việc ACV xây dựng, khai thác Sân bay Long Thành sẽ tạo sự kết nối, đồng bộ với các sân bay khác.

Liên quan đến nguồn vốn đầu tư, Chủ tịch ACV cho biết, hiện đơn vị này đang có khoảng 25.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi gửi trong nhà băng. Dự kiến giai đoạn 2019 - 2025, ACV sẽ tích lũy thêm được nguồn vốn cho đầu tư khoảng 85 - 87 nghìn tỷ đồng.

“ACV hoàn toàn có khả năng đảm bảo việc đầu tư giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đồng thời đủ sức đảm bảo việc nâng cấp, mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Thanh khẳng định.

Sân bay Long Thành công suất 100 triệu khách/năm

Dự án đầu tư xây Cảng hàng không Long Thành có tổng mức đầu tư là hơn 336,6 ngàn tỉ đồng (tương đương khoảng 16 tỷ USD), trong đó, giai đoạn 1 khoảng 112 ngàn tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng hạng mục phụ trợ đồng bộ, với công suất 25 triệu khách/năm, ga hàng hoá 1,2 triệu tấn hàng hoá/năm, chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hoá/năm. Giai đoạn 3 sẽ hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Tin Cùng Chuyên Mục