Nếu vô tình bắt gặp một chiếc ôtô trên đường, khả năng cao chiếc ôtô đó sẽ có lớp sơn ngoại thất màu trắng hoặc đen, tại sao lại như vậy?
Dữ liệu của trang BASF cho biết 55% ôtô sản xuất trong năm 2019 có ngoại thất được sơn màu trắng (39%) hoặc đen (16%). 2 màu sơn kế tiếp được sử dụng nhiều là xám (13%) và bạc (10%).
Trang tin CNBC đã nghiên cứu và đưa ra 3 lý do để giải đáp thắc mắc này.
Tính thực tế: Trắng, đen, xám và bạc là 4 màu có sẵn trên hầu hết phương tiện, nó phù hợp để sử dụng trong nhiều hoàn cảnh. Những màu này cũng không bị lỗi thời, các ôtô sơn màu này dễ dàng được bán lại và không mất quá nhiều giá trị.
Tại nhiều thị trường, khách hàng có xu hướng mua xe có sẵn ở các đại lý thay vì lựa chọn và chờ đợi màu sơn theo đúng sở thích của bản thân. Hiểu được tâm lý của khách hàng, các đại lý ôtô thường chỉ mang về các màu sơn phổ thông để bán được nhiều xe hơn.
Tâm lý: Paul Czornij, Trưởng bộ phận thiết kế của BASF Mỹ, chia sẻ ôtô là sản phẩm đại diện cho sự phát triển của khoa học và công nghệ, ngành công nghiệp này thường được liên tưởng đến với những màu sắc như xám, trắng hay bạc. Đây là lý do ôtô thường được sơn các màu này.
Một ví dụ khác dễ hiểu hơn là khi nhắc đến xe điện, nhiều người sẽ nghĩ đến màu xanh dương. Nguyên nhân là các mẫu xe điện đầu tiên được sản xuất thường sử dụng màu sắc này, về lâu dài khiến cho người tiêu dùng mặc định trong suy nghĩ xe điện sẽ có màu xanh dương.
Công nghệ: Ở giai đoạn đầu của ngành công nghiệp ôtô, màu sơn bị giới hạn khá nhiều và có độ bền kém. Henry Ford, người sáng lập hãng Ford, từng phát biểu khách hàng mua mẫu xe Model T chỉ có một lựa chọn màu sơn là đen.
Lý do là màu đen là màu có thời gian khô nhanh nhất, phù hợp với tiêu chí sản xuất nhanh chóng của Ford.
Đến những năm 80 của thế kỷ XX, công nghệ sơn ôtô phát triển hơn với những phát minh về lớp nền và lớp phủ bảo vệ sơn, giúp cho sơn xe bền và khó phai màu hơn.
Ở thời điểm hiện tại, màu sơn xe đa dạng hơn rất nhiều so với vài chục năm trước, tuy nhiên đa số khách hàng vẫn thích các màu sơn cơ bản hơn.
Link bài gốc