Ngày pháp luật

Vì sao Grab hai lần bị Ngân hàng Nhà nước xử phạt?

Theo Lam Giang/BizLive

Trong lần bị xử phạt đầu tiên, Grab giải trình do “không nhận thức được” và “chưa nhận thức đầy đủ về tính pháp lý” của dịch vụ.

Vì sao Grab hai lần bị Ngân hàng Nhà nước xử phạt? - Ảnh 1

 

Cuối tháng 5 vừa qua, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với Công ty TNHH Grab.

Đây là lần thứ hai đầu mối vận hành ứng dụng gọi xe này tại Việt Nam bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử phạt.

Cụ thể, Công ty TNHH Grab đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính đối với việc đăng ký khoản vay nước ngoài. Công ty TNHH Grab không tuân thủ quy định về thời hạn gửi hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài đối với khoản vay nước ngoài ngắn hạn được gia hạn thành trung, dài hạn mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm, vi phạm quy định tại Thông tư 03/2016/TT-NHNN.

Trước đó, ngày 15/7/2017, Công ty TNHH Grab đã ký hợp đồng vay ngắn hạn nước ngoài kim ngạch 50 triệu USD với bên cho vay là Grab Inc. Đến 30/7/2018, công ty và bên cho vay nước ngoài ký thỏa thuận gia hạn khoản vay nước ngoài ngắn hạn thành trung, dài hạn.

Theo quy định, công ty này phải báo cáo và đăng ký thủ tục đăng ký khoản vay trên với Ngân hàng Nhà nước sau khi chuyển thành trung, dài hạn chậm nhất đến 29/8/2018, nhưng đến 3/10/2018 Ngân hàng Nhà nước mới nhận được hồ sơ (quá 30 ngày kể từ ngày ký thỏa thuận gia hạn khoản vay).

Theo đó, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH Grab với mức phạt tiền 120 triệu đồng.

“Chưa nhận thức đầy đủ về tính pháp lý”

Hồi tháng 11/2018, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cũng đã phát hiện hành vi vi phạm của Công ty TNHH Grab khi triển khai cung ứng dịch vụ GrabPay (có bản chất là dịch vụ trung gian thanh toán) nhưng chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép.

Vụ Thanh toán đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, xác định cung ứng dịch vụ GrabPay là dịch vụ trung gian thanh toán (thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện).

Về sự việc này, Công ty TNHH Grab có văn bản giải trình với Ngân hàng Nhà nước rằng: “Công ty đã phát triển tính năng GrabPay với vai trò là một tiện ích gia tăng dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ trong môi trường của ứng dụng Grab. Do vậy, khi đưa GrabPay vào hoạt động, công ty đã không nhận thức được rằng tính năng này phải được coi là dịch vụ trung gian thanh toán”.

Công ty TNHH Grab cho biết, đây là lần đầu tiên công ty vi phạm quy định trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng. Ngay khi nhận thức được sự chưa hoàn chỉnh trong việc tuân thủ của tính năng GrabPay, công ty đã nhanh chóng khắc phục tình trạng này. Cụ thể, công ty đã tiến hành hợp tác với Công ty cổ phần Công nghệ và dịch vụ Moca (Moca) để chuyển sang sử dụng các dịch vụ trung gian thanh toán đã được cấp phép của Moca.

“Mặc dù chưa nhận thức đầy đủ về tính pháp lý của GrabPay nhưng công ty đã rất chú trọng các yếu tố về an toàn cho khách hàng và tinh thần quản lý rủi ro tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Chính vì vậy, công ty đã ấn định hạn mức tối đa của số dư trả trước là 999.999 đồng Việt Nam”, Công ty TNHH Grab giải trình.

Sau đó Grab tiếp tục có văn bản giải trình, chứng minh ứng dụng GrabPay là tiện ích gia tăng và không thu phí. Vụ thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng trong nước (Vụ I) cũng nhận thấy Công ty TNHH Grab không thu phí và không sinh lời từ hoạt động GrabPay, do đó không thực hiện việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Tuy nhiên, với vi phạm triển khai GrabPay khi chưa được cấp phép nói trên, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH Grab 900 triệu đồng (là mức phạt gấp đôi tại khung hình phạt đối với tổ chức theo quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP và áp dụng mức trung bình của khung hình phạt do không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ).

Tin Cùng Chuyên Mục