Ngày pháp luật

Vì sao Eximbank (EIB) muốn chuyển trụ sở chính ra Hà Nội?

Trung Hiếu

Ngân hàng Eximbank (mã cổ phiếu EIB) đánh giá thị trường miền Bắc có tiềm năng tăng trưởng lớn và phù hợp với chiến lược mở rộng, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Eximbank dự kiến trình ĐHĐCĐ về việc chuyển trụ sở chính về tòa nhà do Gelex đầu tư tại Hà Nội.

Eximbank (EIB) muốn chuyển trụ sở chính ra Hà Nội.
Eximbank (EIB) muốn chuyển trụ sở chính ra Hà Nội.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường, dự kiến tổ chức vào ngày 28/11 tại Hà Nội.

Theo đó, trong tài liệu có nêu lý do vì sao Eximbank di dời trụ sở chính ra Hà Nội.Hiện nay, Trụ sở chính của Eximbank hiện đang đặt tại tầng 8, Văn phòng số L8-01-11+16 Tòa nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Eximbank có mạng lưới hoạt động gồm 215 chi nhánh, phòng giao dịch trải dài từ Bắc vào Nam.

Tuy nhiên, theo Eximbank, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh và biến động, Ngân hàng đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và triển khai linh hoạt các kế hoạch kinh doanh dựa trên tư duy mới về tiếp cận khách hàng và mở rộng thị trường.

Bên cạnh việc tiếp tục củng cố vị thế tại thị trường miền Nam, Ban lãnh đạo Eximbank xác định, miền Bắc là thị trường năng động, còn nhiều dư địa để khai thác. Vì thế, Ngân hàng đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới phân phối và tiếp cận với các khách hàng tiềm năng tại khu vực này, để nắm bắt các cơ hội thị trường, giúp gia tăng doanh thu, lợi nhuận và sức ảnh hưởng của thương hiệu.

Việc chuyển trụ sở chính của Eximbank ra quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là bước đi chiến lược với mục tiêu giúp Ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động, nhằm thực thi chiến lược kinh doanh một cách hiệu quả. Ban lãnh đạo Eximbank đánh giá, Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô, bên cạnh ý nghĩa về văn hóa, lịch sử thì đây còn là trung tâm hành chính, thương mại – dịch vụ quan trọng của thành phố.

Đồng thời, theo Eximbank Thành phố Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều Hội sở, chi nhánh lớn của các ngân hàng trong và ngoài nước. Đây cũng là địa điểm có nhiều lợi thế thuận tiện cho việc giao thương và kết nối với các đối tác, khách hàng, tạo cơ hội hợp tác và phát triển mạng lưới kinh doanh, giúp mở rộng thị phần và sức ảnh hưởng của thương hiệu Eximbank tại miền Bắc, đóng góp vào sự phát triển chung của Ngân hàng.

Đề xuất chuyển trụ sở chính của Eximbank đã đạt được sự đồng thuận cao của Hội đồng quản trị Ngân hàng và thông qua quy trình phê duyệt bộ tài liệu ĐHĐCĐ theo đúng quy định của Điều lệ và quy định pháp luật.

Việc chuyển trụ sở sẽ được thảo luận công khai, minh bạch tại Đại hội cổ đông của Ngân hàng diễn ra vào cuối tháng 11 tới đây và chỉ được thông qua nếu đạt tỷ lệ tán thành trên 51% tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp. Hồ sơ chuyển trụ sở chính cũng phải được Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận theo quy định.

"Chúng tôi luôn mong nhận được sự đồng hành, ủng hộ của cổ đông và nhà đầu tư, cùng để kiến tạo Ngân hàng Eximbank năng động, hiện đại và gắn với những giá trị thực tiễn cho khách hàng cũng như đóng góp vào sự phát triển của ngành tài chính Việt Nam", Eximbank cho biết.

Ngoài ra cũng theo tài liệu công bố, Eximbank còn có tờ trình chấm dứt chủ trương xây dựng trụ sở chính tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM.

Trước đó, phiên họp ĐHĐCĐ của Eximbank ngày 27/5/2022 đã thông qua việc xây dựng trụ sở chính ngân hàng tại địa điểm này. Tuy nhiên, hiện nay, Eximbank dự trình chuyển trụ sở chính về Hà Nội, do đó việc tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng trụ sở tại số 7, Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TPHCM không còn phù hợp.

Cập nhật tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường, hội đồng quản trị Eximbank cũng vừa bổ sung tờ trình xem xét miễn nhiệm chức danh thành viên Ban kiểm soát (BKS) đối với ông Ngô Tony, Trưởng BKS.

Cụ thể, tờ trình xử lý kiến nghị của nhóm cổ đông theo văn bản ngày 29/10, nhóm cổ đông sở hữu trên 5% tổng số cổ phần phổ thông của Eximbank kiến nghị HĐQT ngân hàng bổ sung vào chương trình ĐHĐCĐ bất thường vào cuối tháng 11 tới.

Nhóm cổ đông kiến nghị miễn nhiệm chức danh thành viên BKS Eximbank đối với ông Ngô Tony là vì "ông Ngô Tony đã có hành vi lạm dụng/lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Điều lệ Eximbank và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm soát Eximbank, gây ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi của cổ đông".

Trước đó, ngày 14/10, có tài liệu lan truyền trên mạng xã hội về "Đơn kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank" với nội dung do Ban Kiểm soát ghi nhận.

Sau đó, Eximbank đã phát đi thông cáo khẳng định tài liệu lan truyền trên mạng xã hội nêu trên không phải là văn bản của ngân hàng này và không xuất phát từ ngân hàng. Tài liệu chưa được xác thực, không rõ nguồn gốc.

Eximbank khẳng định ngân hàng vẫn đang hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng của khách hàng và đối tác. Ông Ngô Tony được bầu làm Trưởng BKS Eximbank vào tháng 2/2022 và hiện không sở hữu cổ phiếu EIB.

Tin Cùng Chuyên Mục