Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2013 - 2017, số doanh nghiệp thành lập mới ở Việt Nam có xu hướng tăng theo từng năm, từ 76.955 doanh nghiệp năm 2013, lên 94.754 doanh nghiệp năm 2015 và năm 2017 là 126.859 doanh nghiệp.
Cùng với đó, số vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới cũng tăng tương ứng trong các năm 2013, 2015 và 2017 lần lượt là 398.681 tỷ đồng, 601.519 tỷ đồng và 1.295.911 tỷ đồng.
So sánh giữa năm 2013 và 2017, có thể thấy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 1,65 lần, số vốn đăng ký tăng 3,25 lần, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp tăng 1,96 lần. Riêng trong 8 tháng năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới là 87.448, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2017, với số vốn đăng ký là 878.627 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia đánh giá, xu hướng này là kết quả của quá trình cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao nhận thức khởi nghiệp, nâng cao tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam nhận thấy có cơ hội để bắt đầu kinh doanh.
Theo một nghiên cứu khác của VCCI, tỷ lệ người có ý định khởi sự kinh doanh ở Việt Nam là 22,3%, cao hơn mức 18,2% năm 2014 và gần bằng mức 24% năm 2013. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn kém xa so với mức trung bình của các nước có cùng trình độ phát triển như Việt Nam.
Trăn trở về thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay, PGS.TS Phạm Văn Liên-Phó Giám đốc Học viện Tài chính đưa ra sự so sánh với Israel. Nhìn vào sự phát triển của đất nước này, cần đặt câu hỏi, vì sao và bằng cách nào, một quốc gia mới gần 70 năm tuổi và chỉ có 8,5 triệu dân, điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, hơn 2/3 diện tích là sa mạc, đồi núi, 95% diện tích đất nước được coi là khô hạn và không thể canh tác, hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng đã tạo ra những nông trang đầy hoa giữa sa mạc khô cằn, đã sản sinh ra rất nhiều chủ nhân Giải thưởng Nobel, khoa học gia, kỹ nghệ gia lỗi lạc và các thương gia đại tài.
Điều đáng nói, dân số Việt Nam đông hơn Israel gần 11 lần, diện tích lớn hơn 15 lần, nhưng GDP đầu người lại chưa bằng 1/16 của họ. Tương tự với đất nước Singapore, diện tích chỉ bằng 2/3 thành phố Đà Nẵng, lại có thể trở thành “con rồng châu Á”?
Từ những ví dụ trên, TS. Phạm Văn Liên khẳng định, tinh thần khởi nghiệp được khơi dậy mạnh mẽ trong xã hội có nền kinh tế phát triển sôi động, có nền giáo dục khởi nghiệp với nhiều trường đại học và các trung tâm nghiên cứu - phát triển được gắn kết chặt chẽ, có đội ngũ trí thức trẻ tuổi dám nghĩ, dám làm, có cộng đồng doanh nghiệp năng động, có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền... đã tạo nên sự phát triển thần kỳ ở những quốc gia này.
Còn tại Việt Nam, mặc dù, hoạt động khởi nghiệp phát triển nhanh nhưng phần lớn diễn ra một cách tự phát, chưa có hệ thống và sự kết nối chặt chẽ. Bên cạnh đó các doanh nghiệp khởi nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn về vốn, sự thiếu hụt kiến thức, kinh nghiệm quản trị kinh doanh… Điều này đặt ra yêu cầu cần có các chính sách khuyến khích khởi nghiệp, nhất là thông qua việc đào tạo nâng cao năng lực, trang bị kiến thức khởi sự kinh doanh cho người trưởng thành ở Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đồng bộ, nhất quán, đủ mạnh, có tính đột phá và có quy định cụ thể, tránh mang nặng tính khuyến khích chung chung; phát triển đồng bộ các loại thị trường trong nền kinh tế thị trường nhằm tạo điều kiện cho các DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động có hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường sự liên kết hợp tác giữa DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, cần có chính sách phát triển nhân lực cho các doanh nghiệp mới đăng ký thành lập nói chung và DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng, trong đó, trọng tâm là nâng cao năng lực quản trị.
Đối với các cá nhân trưởng thành, các nhà khởi nghiệp tương lai, cần tăng cường kỹ năng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong kinh doanh, lãnh đạo và điều hành công việc. Từ đó hình thành kinh nghiệm bản thân và thói quen phản ứng linh hoạt trước các tình huống phát sinh trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo./.