Vietjet muốn xây nhà ga sân bay Điện Biên theo hình thức BOT
Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo lên Chính phủ về việc ủng hộ phương án giao tỉnh Điện Biên làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc mở rộng sân bay Điện Biên.
Trong báo cáo, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Vietjet đề xuất UBND tỉnh Điện Biên sử dụng 100% ngân sách đối với công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Tuy nhiên, các công trình thuộc khu nhà ga hành khách, Vietjet đề xuất thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, thời gian hợp đồng trong 55 năm. Sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng, nhà đầu tư đề xuất được quyền ưu tiên thuê lại để tiếp tục khai thác. Nguồn vốn ước tính khoảng 1.855 tỷ đồng.
Vietjet dự kiến thời gian thực hiện việc mở rộng Cảng hàng không Điện Biên là 24 tháng.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tiếp tục là người khai thác tại sân bay Điện Biên và thực hiện quản lý, vận hành, khai thác sân bay này. Đối với khu vực nhà ga hành khách, sân đỗ ô tô và các công trình phụ trợ, ACV sẽ phối hợp với Vietjet lựa chọn và sử dụng đội ngũ cán bộ nhân viên đang làm việc để khai thác cho nhà ga mới.
Xả mạnh quỹ bình ổn kìm giá xăng dầu
Tuần qua, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định giữ ổn định giá các mặt hàng xăng, dầu trên thị trường trong kỳ điều chỉnh 18/3.
Theo thông báo, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành.
Mặt khác, liên bộ điều chỉnh mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với Xăng E5RON92: 2.801 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 2.000 đồng/lít); Xăng RON95: 2.061 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.250 đồng/lít);...
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường được giữ ổn định.
Cụ thể, Xăng E5RON92: không cao hơn 17.211 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 18.549 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 15.868 đồng/lít. Ngoài ra, giá dầu hỏa không cao hơn 14.885 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.083 đồng/kg.
PVN lên tiếng về "tiền hoa hồng" ở các hợp đồng dầu khí
Tuần qua, PVN lên tiếng về những thông tin dự án đầu tư của PVN tại Venezuela đã chi hàng triệu đô tiền "hoa hồng" cho dự án Junin 2.
Theo PVN, nhiều người đã hiểu sai về khoản tiền gọi là “Participant Bonus” hoặc cũng có nơi dùng từ “Signature Bonus”. PVN cho biết, nếu hiểu theo nghĩa đơn giản, chữ Bonus nghĩa là tiền thưởng (“tiền hoa hồng”) thì không đúng. Tập đoàn này thông tin, đây không phải là "tiền hoa hồng" mà là khoản tiền mà nhà thầu phải trả cho nước chủ nhà khi ký hợp đồng dầu khí.
PVN khẳng định, khoản tiền hàng triệu đô tập đoàn chi tại Venezuela không phải "tiền hoa hồng" mà là khoản tiền mà nhà thầu phải trả cho nước chủ nhà khi ký hợp đồng dầu khí.
Có nghĩa là khi công ty dầu khí nước chủ nhà giao tài liệu cho ta thì ta phải trả tiền, khoản tiền này cũng như một loại tiền đặt cọc để buộc tham gia dự án. Đây là một thông lệ bình thường ở quốc tế.
Trong dự án Junin 2, khoản tiền phí tham gia dự án này là 584 triệu USD và phải chuyển ngay 300 triệu USD theo quy định của Venezuela.
"Khai thác dầu khí là như vậy, sự rủi ro đến mà không ai có thể lường trước được! Cũng như chúng ta đây, không ai dám đảm bảo rằng ngày mai, ngày kia sẽ gặp phải những rủi ro gì trong cuộc sống", PVN lên tiếng.
Giá điện chính thức tăng, người dùng phải trả thêm bao nhiêu tiền
Giá bán lẻ điện bình quân đã chính thức tăng 8,36% từ ngày 20/3, qua đó, giá điện tăng từ 1.720,65 đồng/kWh lên mức 1.864,44 một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng một kWh và cao nhất 2.927 đồng một kWh.
Ngay trong tuần, Bộ Công Thương đã có họp báo thông tin thêm về quyết định này. Lý giải, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, từ ngày 5/1/2019 giá than bán cho sản xuất điện làm tăng chi phí phát điện thêm 3.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, giá điện còn chịu tác động từ việc tính toán phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn "treo" trước đây.
Giá bán lẻ điện bình quân đã chính thức tăng 8,36% từ ngày 20/3.
Về tác động, đại diện Bộ Công Thương cho hay, khách hàng hộ gia đình sử dụng dưới 50kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng; khách hàng sử dụng 50-100kWh sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng; từ 100-200kWh phải trả thêm 31.000 đồng; 200-300kWh phải trả thêm khoảng 53.000 đồng; trên 400kWh sẽ phải trả thêm trung bình khoảng 77.000 đồng.
Doanh nghiệp Thái Lan muốn đổ gần 8 tỷ đô vào Cà Ná
Tập đoàn Phát triển năng lượng Gulf (Thái Lan) đang xin ý kiến UBND tỉnh Ninh Thuận về chủ trương đầu tư dự án Kho cảng LNG và dự án tổ hợp điện khí LNG. Dự kiến, dự án tổ hợp điện khí có quy mô 6.000 MW, gồm 4 nhà máy nhiệt điện tuabin khí chu trình hỗn hợp, mỗi nhà máy công suất 1.500 MW.
Tổng vốn đầu tư 7,8 tỷ USD dự kiến theo hình thức BOT hoặc đầu tư khác. Chủ đầu tư cam kết sẽ thực hiện dự án theo đúng lộ trình và tiến độ đề ra.
Phía tỉnh Bình Thuận thì cho biết, tỉnh đã lập hồ sơ bổ sung Quy hoạch Trung tâm điện lực Cà Ná, gửi Bộ Công Thương thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Sau khi Quy hoạch Trung tâm điện lực Cà Ná được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tỉnh sẽ tiến hành công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư,
Tập đoàn năng lượng Thái Lan Gulf mới đây đã ký hợp đồng với Công ty Năng lượng Xanh để phát triển dự án điện mặt trời tại tỉnh Tây Ninh.