Trước đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng việc tước quyền sử dụng GPLX vĩnh viễn của lái xe thì là không phù hợp, gây nhiều bất ổn.
Nhiều bộ, ngành đề nghị tăng chế tài
Trong thời gian vừa qua, hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết nhiều người mà nguyên nhân chính do lái xe ô tô đã sử dụng rượu, bia gây ra. Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các lỗi này để đảm bảo đủ sức răn đe, hạn chế những hậu quả khôn lường cho xã hội.
Tại Hội nghị sơ kết an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, chế tài xử phạt vi phạm ATGT đã cao nhưng chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, cần sớm sửa đổi theo hướng tăng nặng, đặc biệt với những người nghiện rượu, nghiện ma tuý, phải thu hồi bằng lái vĩnh viễn.
Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 26/6/2019, đại diện Bộ Công an cũng khẳng định, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia đã được Quốc hội thông qua, trong đó các quy định cấm các hành vi sử dụng rượu, bia trước khi lái xe được coi là bước tiến quan trọng trong việc ngăn chặn nạn sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Bộ Công an đang tham mưu cho các cơ quan chức năng liên quan xây dựng chế tài xử lý như tước bằng lái vĩnh viễn, nâng mức phạt hành chính, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải doanh nghiệp nếu để tài xế lái xe khi có nồng độ cồn.
Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Ban soạn thảo, trên thực tế một số hành vi vi phạm quy tắc giao thông như vi phạm về nồng độ cồn, điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm quy định về giao thông trên đường cao tốc... có tính chất, mức độ vô cùng nguy hiểm, khả năng gây tai nạn giao thông với hậu quả rất nghiêm trọng.
Do vậy, việc quy định hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX từ 4-6 tháng hoặc 22-24 tháng là chưa đủ sức răn đe. Ban soạn thảo đề xuất tăng thời hạn tước quyền sử dụng GPLX, có thể tước quyền sử dụng GPLX vĩnh viễn đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước.
Trong lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính lần này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất tăng thời hạn tước quyền sử dụng GPLX, có thể tước quyền sử dụng GPLX vĩnh viễn đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm.
Nhiều nước trên thế giới đưa thêm các giải pháp kinh tế như tăng mức phí đóng bảo hiểm với doanh nghiệp và lái xe vi phạm, tăng thời gian lao động công ích và cấm lái xe trong một thời gian nhất định… nhằm hạn chế sự vi phạm của các lái xe.
Cũng có nước áp dụng việc tước bằng lái vĩnh viễn như tại Anh, Mỹ và một số nước châu Âu khác. Người vi phạm luật, ngoài bị tước bằng lái trọn đời cũng vẫn phải chịu trách nhiệm về luật pháp cũng như bồi thường cho các nạn nhân, hậu quả thiệt hại về vật chất do tai nạn mà họ gây ra.
Cần cân nhắc việc tước GPLX vĩnh viễn
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, một vụ tai nạn xảy ra là tổng hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, cần phân tích, đánh giá công bằng, khách quan trước khi đưa ra kết luận cuối cùng và đề xuất hình thức xử lý phù hợp. Đề xuất tước bằng vĩnh viễn sẽ ảnh hưởng đến đời sống, việc làm không chỉ của lái xe mà cả thế hệ sau, gia đình, vợ con họ.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Việc tước vĩnh viễn ảnh hưởng lâu dài, nếu tước vĩnh viễn tài xế sẽ không biết làm gì khác, ảnh hưởng đến đời sống việc làm không chỉ lái xe mà cả thế hệ sau, gia đình, vợ con họ. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ cơ sở lý luận và thực tiễn.
Nhưng không nên quy định phải đặc biệt nghiêm trọng mới thu bằng vĩnh viễn mà phải căn cứ vào nguyên nhân gây tai nạn. Nếu nguyên nhân chủ quan của tài xế hoặc xe kinh doanh vận tải hoặc sử dụng ma túy, rượu, bia gây tai nạn thì mới thu vĩnh viễn. Còn tai nạn do nguyên nhân khách quan hay hỗn hợp thì phải xem xét”.
Ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT cũng cho rằng, việc tước vĩnh viễn GPLX của tài xế cần xem xét kỹ lưỡng bối cảnh lái xe vi phạm quy định của pháp luật về ATGT, nhất là trường hợp lái xe gây tai nạn giao thông.
Phải xác định đúng nguyên nhân gây tai nạn là do tài xế, hạ tầng hay phương tiện. Riêng trường hợp lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy gây tai nạn giao thông thì cần tước GPLX vĩnh viễn, kể cả lái xe thương mại, phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải hay phi thương mại.
Việc “luật hóa” quy định tước GPLX vĩnh viễn chắc chắn còn có nhiều ý kiến trái chiều từ phía các lái xe. Một số tài xế cho rằng, chế tài nghiêm khắc chưa chắc đã mang lại hiệu quả tốt như mong đợi, thậm chí sẽ gây bất ổn cho xã hội như: Tình trạng dùng bằng lái xe giả; những người bị tước GPLX sẽ không có việc làm, trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội… Do vậy, một số tài xế đề nghị các cơ quan cần xem xét kỹ lưỡng vấn đề trước khi ban hành quy định.
GPLX được coi là quyền nhân thân của mỗi người
Một số luật sư phân tích, đề xuất tước vĩnh viễn GPLX với tài xế gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng là không phù hợp với các quy định của pháp luật. Việc sử dụng GPLX được coi là quyền nhân thân của mỗi người. Mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ có chế tài tương ứng. Do vậy, việc tước quyền lái xe của một chủ thể là không đúng.
Luật sư Hoàng Văn Hướng – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích: “Việc tước bỏ hẳn quyền lái xe, GPLX của một chủ thể là hoàn toàn không đúng với các quy định của pháp luật, từ Hiến pháp cho đến Bộ luật Dân sự, Luật Giao thông đường bộ và các quy định pháp luật khác.
Bởi quyền nhân thân là quyền gắn chặt với con người, chứ hoàn toàn không thể bằng một mệnh lệnh hành chính, một quyết định hành chính mà có thể tước bỏ vĩnh viễn cái quyền nhân thân của một chủ thể”.