Vệ tinh 6G đầu tiên trên thế giới được phóng lên quỹ đạo

Hoàng Thư

Việc triển khai mạng 5G vẫn chưa hoàn tất, nhưng Trung Quốc đã tính đến những bước phát triển công nghệ tiếp theo với việc phóng thành công vệ tinh thử nghiệm mạng 6G. Công nghệ mạng 6G hứa hẹn sẽ cho tốc độ kết nối nhanh gấp 100 lần so với mạng 5G.

RT vừa qua đưa tin, Tên lửa Trường Chinh 6 đã đưa thành công cùng lúc 13 vệ tinh lên quỹ đạo, trong đó có một vệ tinh thử nghiệm mạng 6G đầu tiên trên thế giới mang tên Tianyan-05. Chuyến bay cất cánh từ bãi phóng của Trung tâm Phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây, phía bắc Trung Quốc, đánh dấu sứ mệnh thứ 351 của dòng tên lửa đẩy Trường Chinh 6.

Vụ phóng lần này mang theo tổng cộng 13 thiết bị khoa học, bao gồm 10 vệ tinh viễn thám thương mại NewSat do Công ty Satellogic của Argentina phát triển và ba vệ tinh của Trung Quốc mang tên Beihang SAT-1, Bayi-03 và Tianyan-05, đánh dấu lần đầu tiên tên lửa Trung Quốc đưa các vệ tinh nước ngoài vào không gian.

Đây chỉ là một phần nằm trong dự án phát triển công nghệ mới, vốn đã được triển khai từ tháng 3. Tuy nhiên, thiết bị vừa được phóng lên mang nhiều thiết bị quan trọng và được cho là tiền đề phát triển công nghệ mới. 

Vệ tinh 6G đầu tiên trên thế giới được phóng lên quỹ đạo - Ảnh 1

Trong đó, các vệ tinh viễn thám cỡ nhỏ của Argentina có cùng tình trạng kỹ thuật, mang tải trọng đa phổ và siêu phổ, trong đó mỗi vệ tinh nặng 41 kg và có tuổi thọ thiết kế 3 năm.

Beihang SAT-1 là vệ tinh thí nghiệm khoa học do Đại học Hàng không và Du hành Vũ trụ Bắc Kinh (Beihang) phát triển. Nó chủ yếu thực hiện các thí nghiệm trên quỹ đạo bao gồm nhận và truyền lại tín hiệu ADS-B trong không khí và khám phá công nghệ truyền dữ liệu liên lạc từ vệ tinh đến Trái Đất bằng laser.

Bayi-03 lại được phát triển bởi các học sinh từ Trường Trung học Jinshan với sự hỗ trợ của Sở Giáo dục Thái Nguyên và Trung tâm Giao lưu Quốc tế về Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc.

Đây là vệ tinh khoa học được sử dụng để thực hiện các thí nghiệm quan sát viễn thám thiên thể, quan sát Trái Đất và phục vụ mục đích giáo dục. Vệ tinh mang một con chip được ví như "tiếng nói của trẻ em trong không gian" nhằm cung cấp nền tảng giáo dục thực hành và phổ biến khoa học hàng không cho học sinh nhỏ tuổi.

Riêng Tianyan-05 là vệ tinh thử nghiệm mạng không dây thế hệ thứ sáu (hay mạng 6G) do Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc và một số tổ chức khác như Công ty TNHH Adaspace, Công ty TNHH Minospace hợp tác phát triển.

Nhiệm vụ của Tianyan-05 là xác minh hiệu suất của dải tần 6G trong không gian khi băng tần 6G sẽ được mở rộng từ tần số sóng mmWave của 5G lên thành tần số TeraHertz (một terahertz tương đương một nghìn tỷ chu kỳ mỗi giây). Ngoài ra, nó cũng được trang bị hệ thống viễn thám quang học để quan sát Trái Đất từ xa, giúp hỗ trợ xây dựng các thành phố thông minh, giám sát cây trồng, phòng chống lũ lụt và cảnh báo cháy rừng.

Mặc dù công nghệ 6G vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng nó được kỳ vọng sẽ mang lại tốc độ nhanh gấp 100 lần so với 5G, cho phép truyền dữ liệu không nén trong không gian để có thể liên lạc tầm xa với mức năng lượng đầu ra thấp. Theo ông Lu Chuan, người đứng đầu Viện Công nghệ Công nghiệp Vệ tinh thuộc UESTC, công nghệ này sẽ cho phép các tần số TeraHertz được sử dụng rộng rãi trong các vệ tinh internet.

Còn theo Xu Yangsheng, Viện sĩ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, vệ tinh này cũng là thử nghiệm kỹ thuật đầu tiên liên quan đến ứng dụng liên lạc tần số TeraHertz trong không gian.

Tin Cùng Chuyên Mục