Ngày pháp luật

Về Ninh Thuận nghe nắng reo vui

Theo Hoàng Anh - Báo Đầu Tư

Những đợt nắng khô khốc kéo dài từng được xem là biểu tượng của sự gian khó ở vùng đất Ninh Thuận, nhưng ký ức này đang dần lùi vào quá khứ, khi Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Về Ninh Thuận nghe nắng reo vui - Ảnh 1

Không chỉ sở hữu lợi thế về năng lượng tái tạo, Ninh Thuận còn có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch

Những dự án ngàn tỷ

Trong suy nghĩ của nhiều người, Ninh Thuận là vùng đất đầy nắng, đầy gió, với những triền cát trải dài như vô tận, người dân sống khó nhọc dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời. “Ninh Thuận có gì đâu, ngoài nắng và gió”, câu nói ấy dường như đã mặc định trong tâm trí của nhiều người và của cả chính người dân nơi đây. Sự khắc nghiệt của khí hậu đã từng là nhân tố bó chặt sự phát triển và cuộc sống của người dân vùng đất này.

Nhưng bây giờ đã khác, nắng và gió trở thành lợi thế thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh Ninh Thuận để triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Thời gian qua, đã có 11 dự án điện mặt trời được khởi công tại Ninh Thuận, với tổng vốn đầu tư trên 20.884 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư khổng lồ này vào Ninh Thuận đang tạo động lực phát triển cho địa phương và nâng cao đời sống người dân. Vì thế, bây giờ, những tia nắng đã không còn khô rát, mà như reo vui trên các tấm pin năng lượng mặt trời.

Ninh Thuận đang dần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhóm ngành năng lượng tái tạo để trở thành một trong 6 nhóm ngành trụ cột của địa phương, từng bước xây dựng tỉnh trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Trong năm 2018, một loạt dự án điện mặt trời đã được các nhà đầu tư khởi công xây dựng. Đáng chú ý là Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam của Công ty cổ phần Điện Mặt trời Trung Nam, công suất 204 MW, được xây dựng tại huyện Thuận Bắc, với tổng vốn 4.989 tỷ đồng. Dự án này dự kiến đưa vào vận hành trong tháng 6/2019.

Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam cho biết, đây là dự án tích hợp năng lượng tái tạo đầu tiên tại Việt Nam, với một khu vực đặt cả cột tua-bin khai thác điện gió và tấm pin khai thác điện mặt trời. Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng điện năng tối đa khoảng 450 triệu KWh/năm khi đi vào hoạt động.

“Ninh Thuận có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để triển khai dự án điện mặt trời và điện gió. Vì thế, Công ty đã quyết định chọn địa phương này để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo”, ông Thịnh chia sẻ.

Nhiều tập đoàn kinh tế mạnh trong và ngoài nước khác cũng nhận thấy thế mạnh vượt trội ấy của Ninh Thuận, nên không ngạc nhiên khi nhiều dự án ngàn tỷ đã được triển khai tại đây. Đó là Dự án Nhà máy Điện mặt trời CMX Renewable Việt Nam của Công ty cổ phần Điện mặt trời Re Sun Seap Việt Nam, tổng vốn đầu tư 4.398 tỷ đồng, đã khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành xây dựng và thử nghiệm vào tháng 4/2019; Dự án Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Sơn của Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn, tổng vốn đầu tư 1.362 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Điện mặt trời Phước Hữu của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang, tổng vốn đầu tư 1.425 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành trong tháng 4/2019; Dự án Trang trại Điện mặt trời SP - Infra Ninh Thuận của Công ty TNHH Năng lượng Surya Prakash Việt Nam, tổng vốn đầu tư 1.633 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sẽ có 12 dự án năng lượng tái tạo khác chuẩn bị khởi công tại tỉnh Đắk Nông, với tổng vốn đầu tư trên 20.324 tỷ đồng. Đó là Dự án Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Sơn - Hoàn Lộc Việt của Công ty cổ phần Điện mặt trời Mỹ Sơn - Hoàn Lộc Việt, tổng vốn 1.250 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Điện mặt trời Bim 2 của Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Bim, tổng vốn 4.979 tỷ đồng; Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Sơn 2 của Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn, tổng vốn 1.192 tỷ đồng…

Với những dự án ngàn tỷ trên, Ninh Thuận đang trở thành thủ phủ về năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Về Ninh Thuận nghe nắng reo vui - Ảnh 2

Những cánh đồng điện gió đã hình thành trên vùng đất Ninh Thuận.

Tạo động lực phát triển

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, theo nghiên cứu và công bố của các tổ chức quốc tế, Ninh Thuận là địa phương có đủ điều kiện để phát triển năng lượng tái tạo. Địa phương có tốc độ gió lớn nhất nước, trung bình 7,1 m/s ở độ cao 65 m; số giờ nắng trung bình cả năm là 2.600 - 2.850 giờ; tổng lượng nhiệt 9.500 - 10.000 độ C; lượng bức xạ mặt trời lớn trên 230 Kcal/cm2. Trong khi đó, Ninh Thuận là địa phương ít chịu ảnh hưởng của mưa bão, nên rất lý tưởng cho phát triển năng lượng tái tạo.

Từ thuận lợi đó, ông Vĩnh cho biết, Ninh Thuận xác định phát triển năng lượng tái tạo là một trong 6 nhóm ngành trụ cột, trọng tâm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế. Qua đó, sớm đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo chủ trương của Chính phủ. Theo đó, phát triển điện mặt trời đến năm 2020 là 2.000 MW, định hướng đến năm 2030 là 8.000 - 10.000 MW. “Việc đón nhận nhiều dự án đầu tư năng lượng tái tạo đã góp phần quan trọng cho phát triển của địa phương, nâng cao đời sống người dân”, ông Vĩnh khẳng định.

Trong năm qua, có 15 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.100 MW tại Ninh Thuận được bổ sung quy hoạch, nâng tổng số dự án điện mặt trời lên 29, với tổng công suất 1.938,8 MW; 27 dự án đã ký thỏa thuận đấu nối với ngành điện, tổng công suất 1.668,8 MW; 14 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện, tổng công suất 838,8 MW.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, trong năm 2018, nhiều chỉ tiêu kinh tế đã vượt kế hoạch đề ra; làn sóng đầu tư mới vào các nhóm ngành trụ cột về năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch... đã góp phần tạo nên nhiều gam màu sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Năm qua, kinh tế Ninh Thuận có 5/5 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; GRDP tăng 10,25%; ngành công nghiệp - xây dựng có bước tăng trưởng khá ngoạn mục, đạt giá trị sản xuất gần 11.400 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2017. Có được kết quả đó là nhờ khâu đột phá về năng lượng tái tạo.

Công tác thu hút đầu tư được Ninh Thuận đặc biệt chú trọng. Đến cuối năm 2018, có 84 dự án đầu tư vào Ninh Thuận, với tổng vốn gần 66.745 tỷ đồng. Trong đó, có quyết định chủ trương đầu tư 59 dự án, với tổng vốn 42.926 tỷ đồng. Đa phần trong số đó là các dự án về năng lượng tái tạo. Nhờ vậy, thu ngân sách của tỉnh trong năm qua đạt 2.640 tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm 2017. Theo dự báo, các dự án năng lượng tái tạo khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh Ninh Thuận trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Với chủ trương đúng đắn và chính sách thu hút đầu tư hợp lý, Ninh Thuận đang từng bước trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Thế nên, ký ức về vùng đất khô cằn dần lùi vào quá khứ, để nhường chỗ cho những dự án điện gió và điện mặt trời. Ninh Thuận giờ đây vươn cao như những ngọn gió, sáng tươi như ánh nắng mùa Xuân.

Tin Cùng Chuyên Mục