Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu những bất cập và kiến nghị ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty chế biến thủy sản.
VASEP cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bị các cơ quan quản lý nhà nước về ngành thuế áp mức thuế suất cho hàng thủy sản là sơ chế với mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. Trong khi đó, các mặt hàng đầu ra của các doanh nghiệp này đa số là các sản phẩm đã qua chế biến, được phép áp dụng mức thuế suất là 15%.
Hiệp hội cho biết, các doanh nghiệp cũng đã gửi văn bản phản ánh lên UBND các tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước về ngành thuế. Trong một văn bản trả lời cuối năm 2018, Tổng cục Thuế giải thích, trường hợp doanh nghiệp mua nguyên liệu thủy sản, sau đó sơ chế thông thường (chưa chế biến thành sản phẩm khác so với nguyên liệu đầu vào) rồi đem bán thì không phải là thu nhập từ hoạt động chế biến thủy sản nên không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp có gia công, tiếp nhận nguyên liệu thuỷ sản từ bên thuê gia công, sau đó thực hiện các công đoạn sơ chế thông thường (chưa chế biến thành sản phẩm khác so với nguyên liệu đầu vào) thì thu nhập từ hoạt động nhận gia công này không phải là thu nhập từ hoạt động chế biến thuỷ sản. Do đó, Tổng cục Thuế cho rằng doanh nghiệp cũng không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chế biến thuỷ sản.
Tuy nhiên, theo VASEP, công văn này cũng như các văn bản hướng dẫn của ngành tài chính vẫn chưa có cơ sở vững chắc thế nào là sơ chế, và thế nào là chế biến, chưa giải thích được sản phẩm như thế nào sẽ được coi là “sản phẩm khác với nguyên liệu đầu vào”.
Trong khi đó, VASEP cho rằng hiện nay hoạt động chế biến của doanh nghiệp thủy sản gồm 3 dạng: chế biến từ sản phẩm tươi sống để xuất khẩu, chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín, chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, khi thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp chế biến thủy sản, với cả 3 dạng chế biến trên, các cơ quan ngành thuế đều không công nhận là sản phẩm “chế biến” mà chỉ là "sơ chế" khiến tỷ lệ phải nộp thuế (bao gồm cả sản phẩm sản xuất xuất khẩu, tiêu thụ nội địa hay gia công) đều là 20% - không đúng với bản chất chế biến của ngành.
“Đối với các sản phẩm hàng gia công, giá trị nguyên liệu (là của đối tác thuê gia công) cũng không được các cơ quan quản lý tính vào giá thành sản xuất hàng hóa nên sản phẩm cũng không đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế”, VASEP nêu bất cập.
Từ thực tế trên, Hiệp hội VASEP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo việc ban hành văn bản mang tính pháp quy để các mặt hàng/nhóm mặt hàng thủy sản của doanh nghiệp thuộc danh mục là hàng chế biến, thay vì hiện nay không có quy định rõ ràng nào nên khi Cục Thuế các địa phương xem xét đều đưa hết về sơ chế.
Ngoài ra, hiệp hội cũng đề nghị Bộ có ý kiến bằng văn bản với Bộ Tài chính để cơ quan này xem xét có hướng dẫn cho phép cả 3 dạng hoạt động chế biến nói trên đều được xem là hoạt động chế biến của doanh nghiệp thủy sản và được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.