Cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận của bà Cao Thị Ngọc Dung tăng giá khá ấn tượng trong những phiên đầu năm mới và tiến lên sát đỉnh cao 3 tháng: gần 100.000 đồng/cp.
So với đỉnh cao gần 140.000 đồng/cp hồi đầu 2018, cổ phiếu PNJ đã giảm khá nhiều, kỷ lục vốn hóa 1 tỷ USD đã rời xa. Tuy nhiên, nhưng so với 3 năm trước, giá cổ phiếu PNJ vẫn còn tăng khoảng 4 lần. Tốc độ tăng trưởng doanh thu, đặc biệt lợi nhuận của doanh nghiệp rất ấn tượng.
Trong năm 2018, PNJ ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 14,7 ngàn tỷ đồng, tăng so với mức 11 ngàn tỷ đồng trong năm 2017. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 960 tỷ đồng, tăng so với mức 724 tỷ đồng trong năm liền trước.
Theo kế hoạch, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 26% và lợi nhuận 24%. Doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM này dự định mở thêm 40 cửa hàng, nâng tổng lên trên 36 và phát triển thêm mảng bán đồng hồ.
Sở dĩ PNJ hay một số doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý như Doji, các doanh nghiệp Bảo Tín,... có kết quả kinh doanh tốc và tăng trưởng đều đặn là bởi nền kinh tế Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng cao, đầu tư nước ngoài vào nhiều, thu nhập người dân tăng đều, dân số đông và các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh bán hàng.
Nhu cầu vàng miếng giảm nhưng nhu cầu vàng trang sức tăng mạnh, nhất là vào dịp lễ tết và ngày vía Thần tài các năm. Trong năm 2018, đại diện PNJ cho biết, trong một ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng), doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu trên cả hệ thống đạt 750 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm trước đó.
Nếu với tốc độ tăng như năm trước, trong ngày vía Thần tài năm nay 2019, PNJ có thể thu về hơn 1 ngàn tỷ đồng. Chỉ riêng giao dịch trong 1 ngày như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc thu về lượng tiền bằng 5-7% cả năm.
Trong năm 2018, PNJ đã trả cổ tức tổng cộng 20%, tương ứng với 2.000 đồng/cp. Bà Cao Thị Ngọc Dung hiện đang sở hữu hơn 15 triệu cổ phiếu PNJ, thu về hơn 30 tỷ đồng.
Trước đó, các cổ đông của PNJ, trong đó có bà Dung, cũng đã được thưởng cổ phiếu tỷ lệ 2:1 và cán bộ công nhân viên công ty được phát hành gần 4,9 triệu cổ phiếu.
Cho tới thời điểm này, PNJ vẫn là doanh nghiệp hàng đầu và nổi bật trong năm 2018 với kết quả kinh doanh ấn tượng, lãi gấp nhiều lần 2 đối thủ khác là Doji và SJC cho dù doanh thu không nhiều bằng.
Các nhà đầu tư ngoại đổ nhiều tiền vào PNJ sau khi doanh nghiệp này tìm được nhà đầu tư chiến lược và đẩy mạnh mở rộng chuỗi bán lẻ vàng bạc đá quý trang sức trên phạm vi cả nước trong thời gian gần đây.
Gần đây, ngay sau khi PNJ “hở room”, khối ngoại đã nhanh chóng mua vào 2,38 triệu cổ phiếu doanh nghiệp này, ở mức giá khá cao hơn 106 ngàn đồng/cp, khiến doanh nghiệp này nhanh chóng kín room ngoại 49%.
Mặc dù vậy, PNJ của bà Cao Ngọc Dung cũng gặp khá nhiều vấn đề. Triển vọng của doanh nghiệp không còn tươi sáng như trước đó, ở vào thời điểm năm 2017 và đầu 2018 sau khi PNJ nhận dòng vốn ngoại và thực hiện chiến lược ồ ạt mở rộng mạng lưới bán hàng để chiếm thị phần.
Nhiều người lo ngại là khả năng kiểm soát của ban lãnh đạo khi doanh nghiệp mở rộng mạng lưới và tăng quy mô. Tình trạng vay nợ tăng lên trong khi tồn kho cũng ngày một phình lớn tạo ra rủi ro cho doanh nghiệp.
Trong năm 2018, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của PNJ bất ngờ âm 304 tỷ đồng, thay vì dương 109 tỷ đồng như năm trước đó. Cũng theo báo cáo, lượng hàng tồn kho của PNJ tăng mạnh lên hơn 4.815 tỷ đồng vào cuối 2018, từ mức 3.400 tỷ đồng hồi đầu năm.
Nợ của PNJ cũng tăng mạnh trong năm vừa qua. Tổng nợ ngắn hạn tăng từ mức 1,49 ngàn tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 2,54 ngàn tỷ cuối năm, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng gấp đôi lên gần 1,56 ngàn tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch tiếp tục sôi động phiên thứ 3 đầu năm Kỷ Hợi. Các cổ phiếu trụ cột tăng mạnh giúp thị trường đi lên như Vietcombank, Masan, Petrolimex, BSR, Thế Giới Di Động, Hòa Phát, Vincom Retail, PNJ,...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán vẫn hút dòng tiền khá tốt. Trong khi nhóm dầu khí, thép, dệt may bứt phá mạnh giúp VN-Index vượt mốc 945 điểm.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn tươi sáng hơn trong các dự báo.
Theo BVSC, thị trường được dự báo có thể sẽ xuất hiện các phiên điều chỉnh giảm mang tính kỹ thuật trong một vài phiên kế tiếp, trước khi tiếp tục hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 950-960 điểm. Diễn biến của thị trường sẽ có sự phân hóa rõ nét hơn theo từng dòng cổ phiếu.
Các cổ phiếu ngân hàng và một vài cổ phiếu vốn hóa lớn dự kiến sẽ tăng chậm lại hoặc bước vào nhịp điều chỉnh tích lũy để giữ nhịp cho thị trường. Dòng tiền dự báo sẽ tiếp tục luân phiên dịch chuyển vào các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đang điều chỉnh tích lũy để tìm kiếm lợi nhuận... Các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội cho các hoạt động mua trading nâng tỷ trọng đối với các vị thế ngắn hạn. Tỷ trọng tổng danh mục giai đoạn này có thể nâng lên mức tối đa 60-70% cổ phiếu.
Còn theo Rồng Việt, xu hướng tăng tiếp tục phát triển, cùng với sự cải thiện mạnh mẽ của thanh khoản. Các ngưỡng cản kỹ thuật dễ dàng bị vượt qua. Nhà đầu tư tiếp tục giữ cổ phiếu cho các mục tiêu cao hơn và các nhịp rung lắc, điều chỉnh sẽ là cơ hội để giải ngân.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/2, VN-Index tăng 7,71 điểm lên 945,25 điểm; HNX-Index tăng 0,45 điểm lên 106,49 điểm. Upcom-Index tăng 0,16 điểm lên 55,8 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 250 triệu đơn vị, trị giá 5,6 ngàn tỷ đồng.