59 năm trước. Quay ngược thời gian để thấy công sức tập thể người Hồng Hà qua các thế hệ.
Ngày 1-10-1959, nhà máy sản xuất đồ dùng văn phòng đầu tiên của Việt Nam mang tên Hồng Hà đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị cắt băng khánh thành. Bút máy, bút chì, mực nước, giấy than và các loại ghim đã được sản xuất dây chuyền. Thế hệ những con người giai đoạn đó vui mừng khôn xiết. Mới tinh, hiện đại và bỡ ngỡ để rồi nỗi lo ập đến thật nhanh. Bởi làm thế nào để giữ cho Hồng Hà tồn tại? Bằng cách nào để hình ảnh thương hiệu Hồng Hà phát triển? Và họ cùng nhau đi tìm câu trả lời!
Chập chững những bước đi đầu tiên
5 dây chuyền, 3 phân xưởng sản xuất bút máy, bút chì, tạp phẩm cùng với cơ khí là phân xưởng phục vụ. Nhà máy sản xuất được trên 30 mặt hàng. Khẩu hiệu được lập ra “Nhanh - Nhiều - Tốt - Rẻ”, tất cả các kỹ sư, quản lý của nhà máy ngày đêm nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, không ngừng tìm tòi, học hỏi công nghệ sản xuất, nâng năng suất lao động, quyết tâm thay thế bằng được nhiều loại vật liệu nhập ngoại bằng nguyên vật liệu trong nước, nhất là các hóa chất dùng trong sản xuất bút chì, mực viết… Chật vật có, thất bại có, nhưng để sau vài năm, sản lượng đã tăng lên 5 lần và chủng loại mặt hàng cũng tăng lên đáng kể. Số lượng là vậy, nhưng là chưa đủ thể thỏa mãn và dừng lại. Từng sản phẩm ra đời được chú trọng đến từng chi tiết nhỏ để rồi niềm vui lớn nhất với tất cả cán bộ công nhân của nhà máy thời điểm đó là sản phẩm của Hồng Hà có chất lượng không thua kém gì ngoại nhập. Thương hiệu Hồng Hà bắt được được cả miền Bắc biết tiếng!
Chủ tịch UBTV Quốc hội Trường Chinh thăm phân xưởng ngòi bút máy
Dây chuyền sản xuất bút chì
Khó khăn bủa vây “Trung đội Hồng Hà”
Có lẽ những con người dù ngắn dài gắn bó với Hồng Hà đều biết rất rõ rằng nhà máy được thành lập trong giai đoạn đất nước chìm trong bom đạn. Sản xuất đấy nhưng những người con ưu tú của Hồng Hà cũng không nằm ngoài khí thế sục sôi của thời vận đất nước. Tạm xa mái nhà thân yêu, Trung đội mang tên Hồng Hà hăng hái lên đường ra tiền tuyến. Rồi có ngày gặp lại? Liệu có ngày trở về? Chẳng ai biết và cũng chẳng ai nghĩ tới. Nhưng tình yêu đất nước thì dù có ở lại hậu phương sản xuất giỏi hay đi lên phía trước nơi hòn tên mũi đạn cũng trước - sau là một.
Đội tự vệ Nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà
Thời gian này, để bảo vệ con người, một bộ phận nhà máy phải sơ tán về vùng nông thôn để tiếp tục sản xuất. Khó khăn chồng khó khăn, máy móc phân tán, các dây chuyền thường xuyên phải dừng sản xuất do bị cắt điện, thiếu vật tư. Con người biệt ly, gia đình từng thành viên Hồng Hà bị xáo trộn, người già trẻ nhỏ đi sơ tán theo nhà máy, mơ ước sum họp bên nhau trong bữa cơm gia đình được đếm từng ngày - tất cả ập đến tưởng chừng như muốn đánh chìm tất cả.
Giai đoạn sơ tán sản xuất về nông thôn
Rồi tất cả họ lại tạm gác nỗi nhớ, quên đi khó khăn, hàng nghìn con người gồng mình chống chọi. Khẩu hiệu lần thứ hai được thay đổi: “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”; “Có người là có việc, có việc là có mức, có mức là có năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều”. Tự giác. Quyết tâm. Lạc quan. Mỗi người đều chứa trong mình bầu nhiệt huyết với quyết tâm không gì ngăn cản nổi, nhà máy vẫn duy trì sản xuất đều đặn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho thị trường cả nước, kế hoạch sản xuất không giảm mà con tăng dần theo năm tháng.
Cuộc cạnh tranh buộc phải thắng
Năm tháng qua đi, đất nước đổi mới phát triển, rồi mở cửa hội nhập, Văn phòng phẩm Hồng Hà đứng trước một thách thức rất lớn - đó là cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài. Khó không? Rất khó! Bởi nhà máy rơi vào tình trạng sản phẩm làm ra không bán được, lượng hàng tồn đọng lớn dần, tài chính kiệt quệ, nợ nần chồng chất, kế hoạch sản xuất phải rút bớt khiến việc làm không đủ. Bờ vực phá sản đang ở rất gần. Cuộc cạnh tranh mà họ buộc phải thắng.
Hội nhập và phát triển khiến Hồng Hà phải năng động. Cơ chế và vốn được hỗ trợ bởi các đối tác, nhà máy tập trung nghiên cứu sản xuất các mặt hàng giấy vở, từng bước hoàn thiện công nghệ, đầu tư thiết bị nên sản phẩm của Hồng Hà trở nên đa dạng. Lòng quyết tâm và tinh thần dám nghĩ, dám làm của đại thành viên gia đình Hồng Hà đã chiến thắng đi cùng với những thăm trầm của lịch sử. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhà máy đã trả được hết tiền lỗ tồn đọng của các năm trước, bảo tồn vốn được Nhà nước giao quản lý.
Dây chuyền sản xuất giấy vở thời kì đầu
Dây chuyền sản xuất giấy vở hiện tại
“Phát triển và phát triển không ngừng”
Chính là khẩu hiệu được thay đổi lần thứ ba. Đó là vì uy tín, niềm tin được dày công vun đắp qua lớp lớp người hy sinh, cống hiến đưa Hồng Hà trở thành sản phẩm “Hàng Việt Nam chất lượng cao”; là “Sao Vàng Đất Việt”… Tự hào là 1 trong 100 thương hiệu mạnh toàn quốc; sản phẩm được cả xã hội ủng hộ, quan tâm.
Huân chương lao động Hạng Ba, Hạng Nhì, Hạng Nhất
Chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao và Thương hiệu Quốc Gia
Với mức tăng trưởng liên tục, nhà máy đã đứng trong đội ngũ doanh nghiệp 100 tỷ năm 2004 sau 45 năm hình thành và phát triển. Lịch sử ở lại, tương lai lật trang, ngày 14-12-2005, Đại hội đại biểu cổ đông thành lập Công ty Cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà. Để hội nhập thành công, Hồng Hà lại lao vào “cuộc cách mạng” đổi mới nơi nguồn lực được nâng cao, hàng loại trang thiết bị công nghệ từ các quốc gia phát triển được nhập về, mẫu mã sản phẩm được cải tiến, đa dạng hóa chủng loại, hàng chục loại sản phẩm mới ra đời đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước, mạng lưới phân phối được mở rộng đến mọi nẻo trên dải đất hình chữ S thiêng liêng.
Sản phẩm vở và bút máy Hồng Hà
Sự nỗ lực không ngừng đó của cán bộ công nhân viên Văn phòng phẩm Hồng Hà đã được người tiêu dùng trên cả nước đón nhận và tin tưởng. Nhiều năm trở lại đây, Công ty luôn đạt tỷ lệ tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt gần 9 triệu đồng/tháng. Mục tiêu trong năm 2018, chỉ tiêu doanh thu Công ty sẽ đạt 661 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 10 triệu đồng/tháng…
Sẻ chia với cộng đồng
Là giá trị nhân văn mà cả tập thể đã, đang dùng trí lực cống hiến cho Hồng Hà luôn đặc biệt quan tâm. Ngoài việc tập trung mọi nguồn lực để phát triển; giữ vững vị thế thương hiệu “cánh chim đầu đàn” trong lĩnh vực văn phòng phẩm, giấy vở, đồ dùng học tập tại Việt Nam thì Hồng Hà luôn chú trọng tham gia những hoạt động xã hội mang tính giáo dục cao dành cho học sinh, sinh viên nhằm giúp các em phát triển toàn diện như: Hội thi “Trạng nguyên nhỏ tuổi” và “Viết chữ đẹp nét chữ - nết người toàn quốc”; Cuộc thi “Câu lạc bộ Toán tuổi thơ toàn quốc”…; nhận đỡ đầu cho các cháu mồ côi làng trẻ Birla Hà Nội; tài trợ các địa phương còn khó khăn, các vùng bị thiên tai, lũ lụt…
Hội thi Trạng Nguyên nhỏ tuổi và Viết chữ đẹp toàn quốc
Công ty văn phòng phẩm Hồng Hà đồng hành cùng học sinh vùng lũ Quảng Bình
Ở Hồng Hà, dẫu là ai, dù ở cương vị nào, tất cả mọi người đều đã và đang công tác tại đây đều là những nhân tố, những mắt xích tận tâm tận lực làm rạng danh sản phẩm, thương hiệu Hồng Hà gắn bó và thân thiết với bao thế hệ người Việt Nam trong 60 năm qua.
Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1960, 1962), hạng Nhì (2004), hạng Nhất (2009); Huân chương Chiến công hạng Ba (1996); Bằng khen của Chính phủ, Bộ Công Thương (2007, 2008, 2009); Giải thưởng 15 Doanh nghiệp xuất sắc (2008); Top 100 thương hiệu mạnh toàn quốc (2004, 2009); Giải thưởng Doanh nghiệp thương mại, dịch vụ tiêu biểu (3 năm liên tiếp 2007-2009); Cúp vàng Doanh nghiệp tiêu biểu 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010); Top 100 Doanh nghiệp thương mại dịch vụ tiêu biểu (2010); Thương hiệu nổi tiếng Việt Nam (2010); 1 trong 3 Thương hiệu nổi tiếng ngành hàng văn phòng phẩm (2010); Cúp vàng chất lượng Việt (2013); Bằng khen đã có nhiều sự đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước (2014); Vietnam Best Company (2014); Hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích (2014, 2015); Top 10 Sản phẩm Thương hiệu Việt tiêu biểu xuất sắc (2015); Giải thưởng Sao vàng Đất Việt (2003, 2005, 2007, 2008, 2009, 2010, 2015, 2016); Giải thưởng Thương hiệu Quốc gia (2012, 2014, 2016); Hàng Việt Nam chất lượng cao (liên tục từ 1997 đến 2018).