Hãng thời trang Uniqlo vừa chi hàng chục triệu USD để mua lại 35% cổ phần của CTCP Elise - đơn vị sở hữu hơn 100 cửa hàng thời trang nữ trên toàn quốc. Động thái này diễn ra sau khi hãng thời trang Nhật Bản tuyên bố sẽ mở store đầu tiên tại Việt Nam vào mùa thu năm 2019.
Thông tin Uniqlo mua lại 35% cổ phần CTCP Elise được bà Trần Thị Thanh Thủy, Vụ chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương chia sẻ tại Hội nghị "Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam" mới đây.
Chia sẻ trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, bà Thủy cho biết, đến thời điểm hiện tại, thỏa thuận đã hoàn thành, tiền đã được chuyển và đây có thể xem là một thương vụ thành công của Elise khi giá trị mà đối tác Nhật trả cho 35% cổ phần trị giá hàng chục triệu USD, cao hơn rất nhiều nếu so sánh với con số vốn điều lệ của Elise.
Elise là thương hiệu thời trang nữ của CTCP Elise có trụ sở tại Hà Nội, hiện có hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc.
Uniqlo là thương hiệu thời trang trực thuộc Fast Retailing - một doanh nghiệp bán lẻ thời trang Nhật Bản sở hữu hơn 2.300 cửa hàng trên toàn thế giới.
Theo Asia Nikei, tiếp nối sự có mặt của hàng loạt cái tên danh giá trong mảng fast fashion như Zara, H&M, Pull&Bear... thì Uniqlo cũng đã chính thức thông báo sẽ mở store đầu tiên tại TPHCM vào mùa thu năm 2019.
Báo cáo về ngành bán lẻ thời trang của Savills năm 2017 cho biết: Sự đổ bộ của Zara, H&M – những nhãn hàng thời trang lớn nhất thế giới về mặt doanh thu, với đặc thù của ngành kinh doanh fast fashion là chính sách giá hợp lý đã khiến nhiều chuyên gia quốc tế phải "thật sự bất ngờ" với những gì họ đang được chứng kiến tại Việt Nam.
Thị trường bán lẻ Việt Nam cách đây 4 - 5 năm từng được cho rằng "cần 1 thập kỉ để phát triển", nay đã có bước đột phá đầy ấn tượng xuất phát từ nhu cầu mua sắm hàng ngoại nhập giá bình dân bị dồn nén và sự thỏa mãn nhỏ giọt từ hàng xách tay, báo cáo của Savills nhận định.
Trước đó, trả lời Trí thức trẻ về việc Zara, H&M đến Việt Nam, bà Lưu Nga - CEO của Elise cho biết: Những hãng này vào Việt Nam sẽ đáp ứng nhu cầu cho những người thích dùng "mỳ ăn liền".
"Họ (khách hàng - PV) muốn nhanh, rẻ, tiện lợi và không quá cầu kỳ trong thời trang của mình. Cũng như chúng ta ăn hàng tỷ gói mỳ ăn liền nhưng các nhà hàng sang trọng và quán ăn khác vẫn phát triển bình thường. Tính dễ dãi và phổ thông của các thương hiệu đó sẽ làm nhàm chán và đồng phục mọi người. Bạn tưởng tượng sao cả chục người trong một căn phòng toàn mặc Zara hay H&M?"
"Theo tôi, họ vào Việt nam sẽ làm phong phú và đánh thức nhiều người quan tâm đến thời trang hơn và là một điều tốt. Cũng như ở các nước khác họ đã có mặt, họ sẽ đem lại nhiều hơn về giá trị sử dụng và tiện lợi hơn là giá trị thời trang", bà Lưu Nga nói.