Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy báo cáo về Đề án “Ứng dụng nền tảng số trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh về quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp” (sau đây gọi là Đề án).
Theo đó, Đề án được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật gắn với mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; minh bạch, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, phản ánh các quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp.
Dự thảo Đề án tập trung vào một số nhiệm vụ sau: Nghiên cứu, đề xuất cơ chế thực hiện hiệu quả quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), đặc biệt là trong việc thực hiện tiếp nhận, xử lý các thông tin, phản ánh về quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp trong hệ thống pháp luật; nghiên cứu, đề xuẩt phương thức tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác rà soát VBQPPL, đổi mới phương thức tổ chức rà soát VBQPPL, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong quá trình thực hiện rà soát VBQPPL; xây dựng và tích hợp hệ thống chính sách - ứng dụng nền tảng số trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh về quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để đảm bảo công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động rà soát VBQPPL.
Trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã phát biểu góp ý, đánh giá, xác định vướng mắc, đề xuất giải pháp hoàn thiện một số vấn đề liên quan đến phạm vi, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện và kinh phí thực hiện Đề án.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, ứng dụng nền tảng số trong hoạt động tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh sẽ thiết lập một kênh chuyên biệt, tập trung trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh về quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp. Đồng thời, kênh chuyên biệt này sẽ nâng cao hiệu quả trong công tác hoàn thiện thể chế và hoàn thiện pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án nghiên cứu, nhanh chóng hoàn thiện Đề án, Tờ trình và Quyết định về việc phê duyệt Đề án “Ứng dụng nền tảng số trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh về quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp” để trình Thủ tướng Chính phủ.