Hãng xe trong nước nổi lên ngắn ngủi
Grab và Uber là 2 hãng xe nước ngoài phổ biến với người Việt, thu hút được một lượng lớn đối tác là những người có xe nhàn rỗi muốn kiếm thêm tiền, thị phần khách hàng dùng ứng dụng tăng trưởng chóng mặt.
Thời kỳ hoàng kim của Grab và Uber kéo dài đã khiến hàng loạt hãng taxi truyền thống khốn đốn vì khách hàng giảm sút. Ngoài ra, mâu thuẫn giữa xe ôm truyền thống và tài xế của 2 hãng Grab, Uber trong việc cạnh tranh khách dần trở thành câu chuyện bình thường.
Cuối năm 2017, đầu năm 2018, thông tin Uber chuẩn bị sáp nhập vào Grab khiến nhiều người bắt đầu lo lắng về thế độc quyền của hãng xe này tại thị trường Việt Nam.
Trước thông tin này, tháng 10/2017, để tăng tốc trong cuộc đua giành thị phần trên thị trường ứng dụng gọi xe, hãng taxi Mai Linh đã cho ra đời dịch vụ xe ôm 2 bánh là Mai Linh Bike. Ngay sau khi Uber sáp nhập về Grab, rất nhiều tài xế của Uber đã tìm đến đầu quân cho Mai Linh.
Để tạo được vị thế, Mai Linh Bike cam kết chỉ thu 15% chiết khấu với tài xế, mức cước được áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu tiên và 3.700 đồng/km tiếp theo, không tăng giá vào giờ cao điểm. Những tài xế tham gia hoạt động được 6 tháng cũng sẽ được hãng mua bảo hiểm.
Tháng 4/2018, Công ty Cổ phần Vận tải hành khách Phương Trang quyết định đầu tư 100 triệu USD vào Vivu và đổi tên ứng dụng thành VATO. Với VATO, mức cước đối với xe ôm là 3.600 đồng/km, ôtô 8.500 đồng/km. Ứng dụng của Vato còn cho phép khách hàng được trả giá với tài xế.
Ngoài ra còn có sự xuất hiện một vài hãng xe khác ít tên tuổi hơn như T.Net, Go-ixe. Tất cả đều tuyên bố có đến hơn 10.000 xe đăng ký và hàng nghìn xe thường xuyên hoạt động.
Một số hãng taxi truyền thống như Thành Công, Taxi Group, Ba Sao, Vinasun… cũng đều có ứng dụng gọi xe tương đối dễ sử dụng và tiện lợi, với nỗ lực giành lại khách hàng.
VATO từng được đầu tư 100 triệu USD để cạnh tranh với Grab.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, những ứng dụng gọi xe trong nước này sau một thời gian ra mắt rầm rộ bỗng nhiên ít xuất hiện trên thị trường, thay vào đó là sự xuất hiện của nhiều “ông lớn” nước ngoài đang dòm ngó "mảnh đất màu mỡ" mà Uber vừa bỏ lại.
Bị “ông lớn” nước ngoài đè bẹp
Cuối tháng 6/2018, ứng dụng gọi xe Go-Viet bắt đầu xuất hiện tại TP.HCM. Đây là hãng xe công nghệ được Công ty Go-Jek đầu tư và hậu thuẫn phía sau, với 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực gọi xe tại Indonesia.
Go-Jek đầu tư hơn 500 triệu USD vào 4 thị trường tại Đông Nam Á là Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Philippin... với các ứng dụng tương tự như Grab.
Thời gian đầu mới ra mắt, khách hàng sử dụng dịch vụ Go-Viet được hưởng nhiều ưu đãi như đi dưới 8 km chỉ trả 5.000 đồng, tài xế cũng được đảm bảo thu nhập trên 30.000 đồng đối với 1 chuyến xe (khách hàng đi không đủ 30.000 đồng, hãng sẽ trả cho tài xế số tiền bị thiếu – PV),...
Sau khi có mặt tại TP.HCM, Go-Viet cũng vừa chính thức tấn công ra Hà Nội vào đầu tháng 9. Tại Hà Nội, Go-Viet tuyên bố đã có 25.000 tài xế xe ôm công nghệ và 1,5 triệu lượt tải ứng dụng, đạt 35% thị phần trong dịch vụ gọi xe 2 bánh ở TP.HCM sau 6 tuần ra mắt.
Sự xuất hiện của Go-Viet khiến tất cả các hãng xe đều phải dè chừng.
Cũng trong tháng 6/2018, thêm ứng dụng công nghệ gọi xe khác tên là Fast Go xuất hiện tại Việt Nam với đầy đủ dịch vụ FastCar, FastTaxi, FastLuxury (dòng xe hơi hạng sang).
Fast Go là hãng xe được phát triển bởi Công ty cổ phần công nghệ MPOS, thuộc hệ sinh thái Tập đoàn công nghệ Nexttech, đơn vị chuyên cung cấp giải pháp thanh toán. Đây được xem là lợi thế dành cho Fast Go khi thừa hưởng nền tảng công nghệ vững chắc, cùng mạng lưới đối tác với hàng chục nghìn doanh nghiệp và hàng triệu người dùng có sẵn của hệ sinh thái Nexttech.
Fast Go không thu phí chiết khấu đối với tài xế lái xe mà chỉ thu 1 khoản phí nhỏ khi tham gia và thu nhập của các đối tác sẽ không bị giảm khi lái xe.
Hãng này cũng cam kết không tăng cước trong giờ cao điểm, không thu chiết khấu tài xế, chỉ với một mức giá dành cho FastCar là 7.900 đồng/km, khách đi xe còn được mua bảo hiểm. Hiện nay Fast Go đã có mặt tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, sắp tới sẽ triển khai tiếp tại các tỉnh, thành khác, dự kiến đến năm 2020 sẽ có mặt khắp Việt Nam.
Grab dù có số lượng tài xế rất lớn, chiếm thị phần nhiều nhưng cũng phải giảm chiết khấu trước sự xuất hiện của Go-Viet.
Đây được xem là thách thức lớn không chỉ với các hãng xe trong nước mà còn với cả Grab, khi hầu như các hãng mới này đều tuyên bố không thu chiết khấu của tài xế và có nhiều chính sách ưu đãi. Trước đó, khi chuẩn bị sáp nhập cùng Uber, Grab đã đẩy mức chiết khấu từ 20% lên 23,6% dành cho tài xế gia nhập trước ngày 1/10/2017, sau ngày này thì tăng lên 28,6%.
Đồng thời, vào thời gian cao điểm, Grab cũng có mức thu phí khách hàng cao hơn rất nhiều lần. Tuy nhiên, trước sự ra đời ồ ạt của các “ông lớn” nước ngoài, Grab đã phải thay đổi, giảm mức chiết khấu còn 20% như trước đây.
Cùng với sự lớn mạnh của các ứng dụng gọi xe nước ngoài, các hãng xe trong nước đang bị đè bẹp và dần “chết yểu” trước tốc độ cạnh tranh khốc liệt hiện nay.